|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

3/4 dân số sẵn sàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ chung, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho kinh tế chia sẻ

17:14 | 01/10/2019
Chia sẻ
Hàng loạt mô hình kinh tế chia sẻ phát triển nhanh ở Việt Nam và chính phủ đang nỗ lực phát hiện và lấp các lỗ hổng pháp lí để khai thác những lợi ích khổng lồ từ chúng.

Để những người lạ vào nhà có vẻ không phải là ý tưởng hay đối với mọi người. Theo chiều ngược lại, cho phép bản thân bạn vào nhà người lạ cũng không phải ý tưởng hay.

Song, đối với hàng chục nghìn người sử dụng Airbnb ở Việt Nam, ý tưởng ấy không chỉ tốt, mà còn sáng tạo.

Một trường hợp điển hình về mô hình kinh tế chia sẻ

Ra đời vào năm 2009, Airbnb là trang chia sẻ chỗ ở lớn nhất thế giới, với 5 triệu thông báo cho thuê phòng ở 191 quốc gia. Cho phép người dân cho thuê tài sản hoặc phòng trống cho những người có nhu cầu, Airbnb hưởng hoa hồng 3% từ mỗi lần đặt phòng của chủ nhà, và 6-12% từ người đặt phòng.

Một báo cáo gần đây của Outbox Consulting, một startup về giải pháp du lịch thông minh ở Việt Nam, về thực trạng chia sẻ chỗ ở, từ khi xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2015, số thông báo cho thuê phòng đã tăng 97% mỗi năm ở TP Hồ Chí Minh, 112% ở Hà Nội và 111% ở Đà Nẵng.

Tổng số thông báo cho thuê phòng của Airbnb tăng từ 1.000 trong năm 2015 lên 6.500 vào năm 2016 và 16.000 trong năm 2017, và 40.804 tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay.

chia se phong

Một căn phòng cho thuê trên trang Airbnb. Ảnh: pweb.com

Hiện tại, từ một công ty mới gia nhập thị trường chia sẻ chỗ ở tại Việt Nam, Airbnb đã trở thành kẻ dẫn đầu.

Ở Việt Nam, Airbnb là một ví dụ tiêu biểu và kinh tế chia sẻ, bên cạnh một danh sách dài những nền tảng chia sẻ khác như Grab, Go-Viet, WeWork, VATO, Gnow, T.Net, Triip.me, Lendbiz.vn, Tima.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Quản lí Kinh tế Trung ương, nhận định kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới tận dụng các công nghệ số để giảm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng khách hàng lớn thông qua nền tảng số.

Mô hình kinh tế chia sẻ đã và đang tăng tốc ở Việt Nam trong vài năm qua, với làn sóng chia sẻ ngang hàng đang thay đổi nhiều ngành. Khách hàng tỏ ra rất quan tâm tới nền kinh tế chia sẻ, dù đó là mượn hàng, vận chuyển, cho thuê văn phòng hay thuê nhà.

Nielsen Việt Nam nhấn mạnh rằng 76% người Việt Nam thích sử dụng "dịch vụ và sản phẩm chung", so với mức 66% toàn cầu. Thực tế ấy tạo ra mảnh đất màu mỡ cho trào lưu chia sẻ nhà ở và nhiều lĩnh vực khác.

Trên thực tế, kinh tế chia sẻ đang phát triển khắp toàn cầu trong các lĩnh vực vận chuyển (Uber, Grab, Lyft, Zipcar), du lịch và khách sạn (VTBO, Airbnb), lao động (TaskRabbit, Upwork), dịch vụ tài chính (Kickstarter, Indiegogo, Lending Club).

Hành động của chính phủ 

Hôm 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí Quyết định 999/QD-TTg để phê chuẩn Đề án thúc đẩy kinh tế chia sẻ ở Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) soạn thảo. 

Mục tiêu của quyết định là bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp trong kinh tế chia sẻ với doanh nghiệp truyền thống.

Đề án của MPI bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm, lợi ích của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ - bao gồm nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng, bên cung cấp nền tảng.

Bên cạnh đó, đề án khuyến khích đối mới, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Airbnb

Airbnb đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chia sẻ nhà ở Việt Nam. Ảnh: INC

Mô hình kinh tế chia sẻ đã phát triển ở Việt Nam vài năm qua trong 6 lĩnh vực chính - gồm vận chuyển, chia sẻ nhà, thương mại điện tử, tuyển dụng, dịch vụ tài chính, quảng cáo trực tuyến.

Theo quyết định, Bộ Tài chính sẽ phải ứng dụng những công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để thực thi và quản lí chính sách thuế.

MPI sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ để điều chỉnh và hoàn thành hệ thống chính sách và pháp lý hiện hành để đáp ứng những yêu cầu về quản lí các hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Bộ Giao Thông vận tải sẽ phải rà soát và bãi bỏ những quy định không phù hợp về điều kiện kinh doanh liên quan tới giới doanh nghiệp vận tải truyền thống.

Tương tự, Bộ Công thương đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các chính sách khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có trách nhiệm xây dựng các quy định về giao dịch xuyên biên giới thông qua các cổng thanh toán mà họ cấp giấy phép.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phải nghiên cứu các quy định về condotel và officetel, còn Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá lại hệ thống pháp lí về quản lí nhà nước đối với khoa học, công nghệ, đổi mới liên quan tới kinh tế chia sẻ.

Luân Thường