11 công trình giao thông trọng điểm hoàn thành năm 2023
Từ ngày 22/9, tỉnh lộ 155 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thị xã Sa Pa, đi qua cầu cạn Móng Sến, bắt đầu được vận hành sau 5 năm xây dựng.
Tỉnh lộ 155 dài 13,8 km, điểm đầu tại nút giao với cao tốc nằm ở TP Lào Cai, điểm cuối tại cầu Móng Sến, xã Tung Chải, thị xã Sa Pa, kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Toàn tuyến có 6 cầu, trong đó Móng Sến dài 612 m với 5 nhịp liên tục, bề mặt rộng 14 m, 4 làn xe. Với chiều cao 83 m, đây là cầu cạn cao nhất Việt Nam.
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết tuyến đường sẽ được khai thác theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT). Người dân có thể đi theo đường 4D như lịch trình cũ mà không phải qua trạm thu phí BOT. Nếu từ Sa Pa về TP Lào Cai, phương tiện sẽ đi tỉnh lộ 155 từ điểm đầu cầu Móng Sến, sau đó qua trạm thu phí BOT đặt bên kia cầu.
Tuyến đường mới sẽ rút ngắn hành trình từ TP Lào Cai đi Sa Pa khoảng 7 km, thời gian 20 phút, tránh được nhiều khúc cua nguy hiểm, nhất là đoạn qua dốc ba tầng.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km, vận tốc 80 km/h, trong đó khoảng 11 km đi qua tỉnh Tuyên Quang, còn lại thuộc tỉnh Phú Thọ. Điểm đầu dự án ở xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang; điểm cuối tại nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc thị xã Phú Thọ.
Dự án chia thành hai giai đoạn, các năm 2021-2023 giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe; giai đoạn hai thực hiện sau năm 2025. Tổng mức đầu tư dự án 3.112 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 2.653 tỷ đồng, giai đoạn hai 460 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và địa phương.
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng, khởi công ngày 30/9/2020, thông xe dịp 30/4. Toàn tuyến dài hơn 63 km, điểm đầu ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối giao quốc lộ 45 tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.
Cao tốc được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h, hiện chưa có trạm dừng nghỉ và làn dừng khẩn cấp. Phương tiện nếu gặp sự cố sẽ có các vịnh để khắc phục hư hỏng, mỗi vịnh cách nhau 4-5 km. Tuyến đường sau khi thông xe giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hòa còn hai giờ thay vì ba giờ như trước đây.
Điểm nhấn toàn tuyến là hai hầm xuyên núi Tam Điệp (TP Tam Điệp, Ninh Bình) và Thung Thi (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cùng cây cầu Núi Đọ vượt sông Chu dài 1,9 km. Đây là cầu dài nhất trên cao tốc, tổng đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài hơn 43 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Khởi công tháng 7/2021, dự án thông xe kỹ thuật dịp 2/9 và khánh thành ngày 18/10. Tuyến này kết nối với cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc, huyện Nông Cống và cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.
Giai đoạn đầu, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường sẽ có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Điểm nhấn dự án là cầu vượt hồ Yên Mỹ trên tuyến chính, dài gần một km và là cầu vượt hồ dài nhất cao tốc Bắc Nam đến nay.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, điểm đầu trùng với điểm cuối dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.300 tỷ đồng.
Giai đoạn một, tuyến có 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Đoạn cao tốc có một hầm xuyên núi là hầm Trường Vinh, dài 450 m với 6 làn xe cắt qua núi Mồng Gà tại ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cùng với cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn sau khi thông tuyến đã rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ nếu đi quốc lộ 1 xuống còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ thay vì khoảng 5 giờ như trước. Các đoạn cao tốc này tạm thời chưa thu phí.
Nhà ga T2 cảng Phú Bài khởi công tháng 12/2019, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, tổng kinh phí gần 2.300 tỷ đồng, được khánh thành ngày 17/6.
Công trình có diện tích sàn xây dựng khoảng 22.380 m2, công suất phục vụ 5 triệu khách mỗi năm (trong đó 4 triệu khách nội địa), có thể phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. Điểm nhấn là kiến trúc cung đình Huế với các lớp mái chồng xếp lên nhau, thể hiện khát vọng vươn lên.
Đây là dự án hạ tầng trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Công trình giúp nâng cao năng lực khai thác cảng Phú Bài đạt cấp 4E; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư; tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như khu vực.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, khởi công ngày 30/9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, thông xe sáng 29/4.
Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bộ Giao thông Vận tải cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Phan Thiết còn khoảng 2 giờ so với 4-5 giờ như trước đây.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, tổng đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, thông xe từ ngày 19/5, hiện chưa thu phí.
Giai đoạn đầu dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Giai đoạn hoàn chỉnh, đường rộng 32 m, 6 làn xe, trong đó có hai làn khẩn cấp.
Tuyến đường được tính toán thu phí giúp hoàn vốn trong 16 năm 4 tháng, song thời gian và mức thu chưa được nhà đầu tư chốt. Đây là cao tốc đầu tiên cả nước áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn, giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và giảm nhiên liệu.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km qua 4 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam) của tỉnh Bình Thuận, được thông xe hôm 19/5.
Giai đoạn một, mặt đường rộng 17 m với 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h, chưa làm làn dừng khẩn cấp, mà chỉ có các điểm dừng khẩn cấp dài 270 m, rộng 2,5 m, cách nhau 4-5 km. Thời gian qua tuyến đường thường xảy ra một số vụ tai nạn.
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 6,61 km. Công trình có điểm đầu nối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự án khởi công tháng 2/2020, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu. Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9 km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là dự án cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dài 650 m; hai trụ tháp cao 125,5 m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc.
Công trình đến nay đạt khoảng 97% khối lượng xây lắp. Trong 5 gói thầu dự án thì 4 gói đã hoàn thành, các nhà thầu đang thảm bêtông nhựa mặt cầu. Các hạng mục còn lại như kè gia cố bờ sông, lắp đặt lan can, dải phân cách thép, hệ thống biển báo, dự kiến hoàn tất để kịp khánh thành ngày 24/12.
Cầu Mỹ Thuận 2 khi hoàn thành sẽ kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp do Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải), làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, điểm đầu nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và, tỉnh Vĩnh Long.
Giai đoạn một của dự án có 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án đến nay đã hoàn thành trên 80% khối lượng, các nhà thầu đang tập trung huy động tối đa máy móc, nhân lực tổ chức thi công để kịp hoàn tất, khánh thành ngày 24/12.
Theo chủ đầu tư, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là khớp nối quan trọng cuối cùng của tuyến cao tốc hơn 120 km từ TP HCM đi Cần Thơ. Công trình khi được khai thác sẽ giảm áp lực lớn cho quốc lộ 1, rút ngắn hơn 50 km từ TP HCM đến thủ phủ miền Tây, thời gian chỉ còn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như hiện nay.