Yêu cầu nhân viên ốm trình giấy chứng nhận của bệnh viện: Dấu hiệu của chủ doanh nghiệp không quan tâm tới người lao động
Cảm thấy các cấp quản lý giá thấp hay không quan tâm là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều người thôi việc. Lynn Taylor - một chuyên gia về văn hóa doanh nghiệp ở Mỹ - bình luận: "Lương chỉ là một trong nhiều thứ mà người lao động muốn. Họ muốn cảm thấy đóng góp của bản thân tạo ra sự khác biệt. Nếu chủ doanh nghiệp quan tâm đến sự phát triển và cảm giác của người lao động, họ sẽ cống hiến nhiều hơn".
Entrepreneur nêu những dấu hiệu rõ ràng nhất từ những doanh nghiệp thờ ơ với người lao động.
Chủ doanh nghiệp không bao giờ yêu cầu nhân viên đóng góp ý kiến
"Nếu chủ doanh nghiệp không quan tâm đến ý tưởng hoặc ý kiến của cấp dưới, có lẽ họ chẳng mấy quan tâm đến người lao động", Michael Kerr, chuyên gia huấn luyện về kinh doanh quốc tế và là tác giả cuốn sách "Lợi thế của sự hài hước", nhận xét.
Không quan tâm tới cuộc sống cá nhân của cấp dưới
Một số "sếp" sẽ chỉ nói về công việc khi giao tiếp với nhân viên, chứ không nói về đời sống cá nhân. Tuy nhiên, nếu chủ doanh nghiệp hỏi một người lao động về hoạt động cuối tuần, thú vui, gia đình, họ cũng nên hỏi thêm vài người khác những điều tương tự.
Chẳng hướng dẫn, không phản hồi người lao động
Nếu chủ doanh nghiệp không dành thời gian phản hồi, hướng dẫn hay hỗ trợ trong công việc để cấp dưới đạt mục tiêu, người lao động sẽ cảm thấy lo ngại. Nếu ông (bà) chủ chỉ quan tâm đến việc người lao động có thể hoàn thành nhiệm vụ hay không, mà không quan tâm tới việc họ cải thiện kỹ năng không, cảm thấy công việc thách thức không, có lẽ họ không coi trọng thành công của người lao động.
Không hỗ trợ nhân viên giảm bớt áp lực công việc
Khi nhận việc, người lao động không nghĩ rằng họ sẽ phải làm tới 60 tiếng mỗi ngày. Vì thế, họ đề xuất giảm thời gian làm việc tại văn phòng, hoặc cân nhắc làm tại nhà.
"Nếu chủ doanh nghiệp từ chối thì đây là tín hiệu họ thực sự không quan tâm đến sức khỏe của người lao động", Michael Kerr bình luận.
Lương không xứng đáng
Người lao động thường băn khoăn nếu biết họ nhận mức lương thấp hơn một đồng nghiệp cùng vị trí và khu vực. Nếu họ yêu cầu tăng lương song chủ doanh nghiệp từ chối và không giải thích, họ sẽ cảm thấy công ty không quan tâm tới họ. Ngay cả khi người lao động yêu cầu chủ doanh nghiệp đánh giá kết quả làm việc của họ để có cơ sở tăng lương, người chủ vẫn đáp rằng việc đó không cần thiết.
Không tin tưởng người lao động
Nếu người lao động xin nghỉ vì ốm và chủ doanh nghiệp yêu cầu họ cung cấp giấy chứng nhận của bệnh viên thay vì hỏi thăm và gợi ý giúp đỡ, người lao động sẽ cảm thấy "sếp" không hề tin tưởng họ, chỉ coi họ là người làm công thuần túy.
Biết thông tin quan trọng của công ty sau tất cả mọi người
Nếu người lao động cảm thấy họ luôn là người sau cùng biết những điều quan trọng của công ty, họ sẽ cảm thấy họ giống như người ngoài cuộc. Tinh thần của họ sẽ còn sa sút hơn nữa nếu thông tin họ biết liên quan trực tiếp tới công việc của họ.
Chẳng cố gắng giữ người lao động
Khi người lao động nói với chủ doanh nghiệp rằng một công ty khác đang mời họ sang, hoặc họ đang tìm các cơ hội khác, nhưng chủ doanh nghiệp không có thiện chí muốn giữ họ ở lại, thì đây sẽ là yếu tố cuối cùng để người lao động nhận ra chủ doanh nghiệp không hề quan tâm tới họ.
Xem thêm |