Yahoo - đế chế công nghệ một thời, tiếp tục bị bán lại với giá 5 tỷ USD
Sáng 2/9, CTCP Apollo Global Management ra thông báo đã hoàn tất việc mua lại Yahoo (tên cũ là Verizon Media Group hay Oath) từ Verizon. Thoả thuận trị giá 5 tỷ USD với 4,25 tỷ USD tiền mặt cộng với lợi ích ưu tiên 750 triệu USD. Verizon sẽ giữ lại 10% trong Yahoo, tờ TechCrunch cho hay.
"Đây là kỷ nguyên mới cho Yahoo", CEO Yahoo và là cựu lãnh đạo Verizon Media Guru Growappan cho biết trong một thông cáo. "Thoả thuận hoàn tất dự báo mở ra một kỷ nguyên thú vị, một cơ hội mới cho chúng tôi với tư cách là một thực tể độc lập. Chúng tôi dự đoán rằng với những tháng năm tới sẽ mang lại sự phát triển và đổi mới cho Yahoo với tư cách là một doanh nghiệp và một thương hiệu. Chúng tôi muốn tạo ra tương lai đó với các đối tác của mình."
Đã có những thông tin cho rằng Growappan sẽ thôi giữ chức CEO Yahoo trong một khoảng thời gian dài khi thoả thuận hoàn tất. Tuy nhiên, hiện tại ông ấy vẫn đang nắm quyền điều hành.
Ngoài các tài sản tiêu biểu của Yahoo như Mail, Sports, Finance,… công ty hiện cũng đang sở hữu các trang điện tử như TechCrunch, AOL, Engadget và thương hiệu truyền thông RYOT. Tất cả những mảng này đều đang hoạt động và mang về 900 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu.
Thoả thuận này chấm dứt một nỗ lực kéo dài nhiều năm của Verizon nhằm thực hiện một bước chuyển toàn diện sang phương tiện truyền thông trực tuyến, đặc biệt là tập trung vào quảng cáo. Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng cho thấy rằng nó tốn kém và không sinh lời. Sau tất cả, mảng kinh doanh từ Yahoo đã không đủ lớn để mang về doanh thu vượt trội so với mảng viễn thông truyền thống của doanh nghiệp.
Trước đó năm 2015, Verizon mua lại AOL với giá 4,4 tỷ USD, tiếp theo là mua lại Yahoo với giá 4,5 tỷ USD hai năm sau đó. Kết hợp hai đơn vị này thành một công ty có tên Oath.
Hiện chưa rõ số phận Yahoo khi về tay chủ mới như thế nào. Có thể Apollo sẽ bán bớt các mảng kinh doanh của doanh nghiệp hoặc theo một cách nói khác là tối ưu hoá. Tuy nhiên, về phần mình, Apollo hứa sẽ tiếp tục đầu tư vào Yahoo và đảm bảo mọi công việc vẫn diễn ra bình thường, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu chuyển tiếp.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác với đội ngũ nhân viên tài năng của Yahoo để kiến tạo động lực mạnh mẽ cho công ty và định vị một Yahoo mới để thành công lâu dài với tư cách là người dẫn đầu truyền thông kỹ thuật số và internet tiêu dùng độc lập", Reed Rayman, Đối tác của Apollo, cho biết trong thông cáo.
"Chúng tôi không thể vui mừng hơn về chương tiếp theo này cho Yahoo. Chúng tôi muốn đầu tư cho sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp bao gồm tăng tốc các dịch vụ hướng tới khách hàng và khả năng thương mại, tiếp cận và nâng cao trải nghiệm người dùng hàng ngày", ông nói.
Yahoo từng là ông hoàng công nghệ thế giới một thời. Ra đời từ năm 1994 bởi hai sinh viên Đại học Stanford, công ty khi ấy có cái tên rất dài - Jerry and David's Guide to the World Wide Web. Một năm sau, tháng 3/1995, công ty đổi tên thành Yahoo! và phát triển nhanh "như diều gặp gió.
Đến năm 1998, Yahoo đã trở thành một trong những website được truy cập nhiều nhất thế giới. Năm 1996, Yahoo lên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng 154% sau ngày đầu tiên, chạm mốc 43 USD mỗi cổ phiếu. Năm 2000, cổ phiếu của hãng đạt đỉnh với 457 USD.
Giai đoạn 2002 đến 2007 là thời kỳ hoàng kim của Yahoo Messenger khi được hàng triệu người dùng đón nhận. Trong khoảng thời gian này, Yahoo Messenger được cập nhật nhiều tính năng mới, như thay đổi hoàn toàn giao diện, biểu tượng cảm xúc mới và lớn hơn, phát đa phương tiện ngay trong khung chat, ảnh động, tối ưu cho gọi thoại và chat nhóm, chơi trò chơi...
Năm 2008, Yahoo bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều lần phải cắt giảm nhân sự. Tháng 2/2008, Microsoft ngỏ ý muốn mua lại Yahoo với mức giá 44,6 tỉ USD. Phía Yahoo lập tức từ chối vì cho rằng Microsoft đã "định giá quá thấp" công ty. Kể từ đây, Yahoo liên tục thay CEO, sau Terry Semel lần lượt Jerry Yang, Carol Bartz, Scott Thompson đến Ross Levinsohn nhưng đều không thành công.
Từ tháng 8/2013 đến cuối năm 2014, Yahoo gặp "vận đen" khi bị đánh cắp dữ liệu hai lần liên tiếp, khiến 500 triệu tài khoản người dùng bị rò rỉ, gây thiệt hại hơn 300 triệu USD. Sau nhiều biến động, Yahoo cuối cùng cũng đã phải bán mình cho Verizon với giá chỉ 4,48 tỉ USD vào năm ngoái, thấp hơn 10 lần so với mức giá gần 10 năm trước Microsoft hỏi mua.