Xuất khẩu vào EU: Cơ hội mới từ thị trường quen
Các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào EU. Ảnh: TTXVN |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo thêm "lực đẩy" giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thế và lực đưa hàng hóa vào thị trường này.
Vậy, để "thức tỉnh" trước thời cơ mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần hoạch định những chiến lược kinh doanh đúng đắn và từ bỏ thói quen "ăn xổi” để nơi đây thực sự trở thành mảnh đất vàng cho doanh nghiệp Việt.
Thiếu tầm nhìn dài hạn
Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam sang EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% và nhập khẩu vào Việt Nam trên 4,97 tỷ USD, tăng 10,28%.
Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam tăng từ 4-6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm).
Cùng với đó, Hiệp định này mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.
Mặc dù đây là thị trường đem lại kim ngạch lớn nhất và lớn thứ 2 cho xuất khẩu Việt Nam tính về giá trị nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ xuất khẩu với số lượng lớn và tập trung chủ yếu các sản phẩm thô.
Đây được ví như lối “ăn đong” chứ chưa hề xây dựng cho mình chiến lược lâu dài để chinh phục thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này một cách bài bản.
Cũng chính từ lối kinh doanh “ăn xổi” này mà mặc dù Việt Nam xuất khẩu sang EU rất nhiều nhưng tại các trung tâm thương mại lớn của khu vực châu Âu, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm đỏ mắt cũng không thấy hàng hóa được gắn mác hoặc thương hiệu của Việt Nam.
Giải thích về điều này, không ít doanh nghiệp tỏ ra ngần ngại bởi theo họ, do công nghệ Việt Nam không đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) đề xuất khiến họ chỉ xuất thô. Sau đó, phía doanh nghiệp EU sẽ đóng gói và dán mác một công ty nước ngoài.
Dù biết đây là điều rất nguy hại bởi trong quy tắc điều tra xuất xứ hàng hóa để được ưu đãi theo thỏa thuận FTA, các nhóm hàng, sản phẩm của Việt Nam nếu không sớm đăng ký thương hiệu, mẫu mã và chỉ dẫn địa lý thì sẽ bị mất thương hiệu và không thể vào thị trường này bằng chính tên của mình. Nhưng, "lực bất tòng tâm" nên hàng hóa Việt Nam dù đầy rẫy tại thị trường này nhưng vẫn ít được nhìn nhận vì không được điểm mặt chỉ tên.
Chính vì vậy, cần chuẩn bị một cái nhìn và chiến lược dài hạn để nắm bắt được các cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực là điều mà các doanh nghiệp cần làm ngay.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp có lẽ không cần "to tát" nghĩ đến các lợi ích của FTA. Chỉ cần bắt đầu từ những việc rất đơn giản là mở Hiệp định ra xem những phần liên quan đến mình.
Đó là các dòng thuế trực tiếp liên quan đến sản phẩm, dòng thuế sẽ giảm như thế nào, lộ trình ra sao, bao giờ được cắt giảm, cắt giảm bao nhiêu phần trăm để từ đó tính được giá thành sản phẩm và có sự chuẩn bị dài hạn để xuất khẩu thành công.
Khẳng định sức mạnh
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng chinh phục thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Có khoảng hai năm để 28 nước thành viên của EU phê chuẩn EVFTA và đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực thông qua cải cách thể chế và chính sách khi chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh Hiệp định EVFTA đang mở cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU bởi đây là thị trường được xem là lớn hơn thị trường Mỹ, Nhật cả về diện tích và giá trị.
Tuy nhiên, đây là thị trường rất khó tính, doanh nghiệp Việt sẽ có vướng mắc từ tiếp cận thị trường, giữ vững thị trường, cạnh tranh và cuối cùng thống lĩnh thị trường ấy.
Về tiếp cận thị trường, theo ông Trương Đình Tuyển, không dễ cho Việt Nam bởi khi chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ - tức là họ chỉ công nhận một phần. Theo nguyên tắc của WTO, các doanh nghiệp bản địa có quyền kiện chống bán phá giá, áp đặt hàng rào phi thuế như: an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS) và hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT).
Doanh nghiệp Việt cần có chính sách xâm nhập thị trường phù hợp . Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt sẵn sàng bị đáp trả các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp nếu tập trung quá nhiều vào một thị trường, khiến một ngành của nước sở tại có nguy cơ bị cạnh tranh yếu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách xâm nhập thị trường phù hợp, tránh đổ bộ vào một thị trường hay một sản phẩm cụ thể.
Hiện nay, điểm mạnh và lợi thế của hàng Việt Nam là giá rẻ nhưng khi các cam kết FTA được thực thi thì giá không còn được xem là thế mạnh.
Chính chất lượng và thương hiệu sản phẩm mới là yếu tố cạnh tranh khi sân chơi FTA công bằng cho tất cả hàng hóa. Vì vậy, lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần so sánh tương quan sản phẩm thế mạnh của mình đem đi xuất khẩu và sản phẩm của họ cần.
Khai thác vào dòng sản phẩm họ cần, người tiêu dùng thiếu, tránh những sản phẩm bản địa tương tự, có sẵn.
Đại diện phía doanh nghiệp xuất khẩu, ông Valentin Trần, Giám đốc xuất khẩu của Casino chia sẻ: "Tôi rất lạc quan về mảng xuất hàng từ Việt Nam đi châu Âu khi EVFTA được ký kết. Khi có EVFTA, thuế suất xuống 0% sẽ giúp có lợi cho hàng hóa Việt Nam rất nhiều.
Điển hình như gạo Việt Nam hiện không cạnh tranh được với gạo Campuchia tại châu Âu do chịu thuế cao và công ty Casino phải đưa gạo Việt Nam ra châu Phi thì mới cạnh tranh được… Để tận dụng được các lợi ích thì các doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thị trường và cần làm cho thị trường bản địa biết đến mình."
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo ông Valentin Trần, doanh nghiệp cần tham gia trưng bày hàng hóa, tham gia các hội chợ ở châu Âu đồng thời thăm các chuỗi siêu thị châu Âu để hiểu thị hiếu người tiêu dùng, tập quán kinh doanh.
Và dĩ nhiên, cái gốc để thành công vẫn là chất lượng hàng hóa và khẳng định chất lượng hàng hóa thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Uyên Hương