Xuất khẩu tôm chinh phục mục tiêu 5,6 tỷ USD vào năm 2025 bằng cách tăng chất lượng, giảm giá thành
Xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2025
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu tôm tháng 1 đạt 26 nghìn tấn, trị giá 225 triệu USD, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường với biến chủng mới, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam.
Trong thời gian tới, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam. Hiện nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt trên 740 nghìn ha với sản lượng trên 900 nghìn tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250 nghìn tấn, đứng đầu thế giới.
Dù diện tích nuôi tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm trong những năm vừa qua. Điều này cho thấy quy trình nuôi tôm đã có sự cải thiện, năng suất cao hơn so với trước đây.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định trong vài năm tới, ngành tôm có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm giai đoạn 2022-2025, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 5,6 tỷ USD.
Nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh cho tôm Việt
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành tôm cần chú ý để vượt qua các rào cản ở các thị trường quan trọng như kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, quy định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng số lượng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng ASC (Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản) để cải thiện lượng tôm xuất khẩu sang EU.
Mặt khác, sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ecuador và Ấn Độ.
Cụ thể, tại Ecuador chỉ có 250 ngàn ha nuôi tôm, nhưng sản lượng tương đương Việt Nam. Do đó, giá thành tôm nuôi của Ecuador chỉ bằng 1/2- 1/3 của Việt Nam.
Còn giá thành nuôi tôm của Ấn Độ cũng thấp hơn Việt Nam từ 20-30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ 30 - 60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỷ lệ sống cao, giá nhân công thấp.
Trong những năm qua, giá tôm của Việt Nam luôn ở mức cao nhưng các thị trường vẫn đón nhận nhờ công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao, hàng ăn liền.
Tuy nhiên, lợi thế này nhiều khả năng sẽ không còn trong thời gian tới do các nước cung cấp tôm lớn khác cũng đang có xu hướng nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm tôm xuất khẩu. Do đó, ngành tôm cần nghiên cứu thay đổi quy trình nuôi nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.