|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bức tranh thị trường xuất khẩu tôm năm 2022: Mỹ có thể tiếp tục là điểm sáng

10:27 | 02/02/2022
Chia sẻ
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định năm 2022 ở thị trường Mỹ, Việt Nam sẽ tập trung xuất khẩu các mặt hàng tôm chế biến sâu hoặc mặt hàng tôm không bị thuế chống bán phá giá.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết năm 2021, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt, chiếm 28% tổng kim ngạch.

Ở các vị trí tiếp theo, lần lượt là khối EU và Anh, chiếm gần 22%, Nhật Bản chiếm gần 15%, Trung Quốc chiếm 11% và Hàn Quốc chiếm gần 10%.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta nhận định Mỹ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỷ USD và sản lượng trên 750.000 tấn.

Trong đó tôm Ấn Độ đứng thứ nhất với 36-38%, Indonesia thứ hai với 18-20%, Ecuador đứng thứ ba, tỷ trọng cận kề với Indonesia. Còn tôm Việt đứng thứ 5, tỷ trọng chưa tới 10%.

Sản lượng tôm bán vào đây từ Ấn Độ và Ecuador chủ yếu là tôm tươi nhiều dạng, trong đó IQF ngày càng có tỉ lệ cao hơn. Hai nước này có lợi thế là tôm giá rẻ. Indonesia có lợi thế là tôm không bị thuế chống bán phá giá.

Ông Lực cho rằng Việt Nam không thể cạnh tranh các thế mạnh đối thủ nên xu thế bán vào đây mặt hàng tôm chế biến sâu hơn như tôm ring, tôm luộc hoặc mặt hàng không bị thuế chống bán phá giá như tôm bao bột, tôm chiên…

Bức tranh thị trường xuất khẩu tôm năm 2022, Mỹ có thể tiếp tục là điểm sáng - Ảnh 1.

Năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28% tổng kim ngạch. (Ảnh: Fimex)

Còn với thị trường EU và Anh, đây vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng, phân khúc khách hàng cao cấp. Đi liền đó, họ đòi hỏi sự kiểm soát kỹ lưỡng chuỗi sản phẩm của nhà nhập khẩu.

Hiện nay, cơ sở nuôi tôm đạt chuẩn ASC của Việt Nam chưa tới 10.000 ha, con số rất thấp so tổng diện tích nuôi.

Tuy nhiên, so các nước đối thủ, Việt Nam đã đi trước lĩnh vực này, cho nên tôm chế biến sâu vào các hệ thống phân phối lớn và cao cấp là thế mạnh của chúng ta.

Tôm Việt tuy chiếm hạng sau tôm Ecuador ở đây về lượng, nhưng tiềm năng về thị trường lớn hơn bởi trình độ chế biến của Ecuador còn thấp.

Đối với thị trường Nhật Bản năm 2021 trải qua nhiều biến động thất thường theo diễn biến COVID-19 ở đây.

Đầu tháng 10/2021, Tokyo thông báo mở cửa nhưng đến giữa tháng 1/2022 lại ghi nhận số ca lây nhiễm tăng chóng mặt. Dù vậy, mức tiêu thụ của Nhật Bản vẫn khá ổn định, vấn đề chỉ chuyển tiêu thụ từ mảng dịch dụ qua mảng bán lẻ.

Ông Lực đánh giá tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Nhật Bản khá tốt, nhưng đòi hỏi mẫu mã sản phẩm phải tươm tất, khá cầu kỳ nên chỉ phù hợp các doanh nghiệp chế biến có quan điểm tăng trưởng ổn định và vừa phải. Đồng thời, lợi thế thị trường này là gần, giao hàng nhanh giảm rủi ro, thanh toán sòng phẳng.

Điểm tồn đọng là tất cả lô tôm Việt vào đây đều phải bị kiểm tra khá chặt chẽ mới thông quan. Dù các lô hàng đều bị kiểm tra, ít nhiều có ảnh hưởng kế hoạch tiêu thụ của phía nhà nhập khẩu nhưng tôm Việt vẫn chiếm hàng đầu ở đây, căn bản do mẫu mã sản phẩm tôm ta đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều.

Còn ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của thị trường hơn 1 tỷ dân vô cùng lớn nhưng chính sách nhập khẩu lại liên tục biến động. Hiện, Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất cho tôm nuôi từ Ấn Độ, Eucador, tôm biển từ Argentina.

Nguồn cung tôm giá rẻ tới thị trường này quá lớn cộng với tác động COVID-19 lên tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của ta có phần giảm sút, nhưng vẫn không ảnh hưởng tình hình tiêu thụ tôm sú của Việt Nam.

Còn lại, những thị trường như Hàn Quốc, Canada, Australia luôn thể hiện là thị trường tiềm năng, duy trì nhịp độ. Trong đó chú ý tôm Việt chiếm vị trí hàng đầu ở Hàn Quốc và Australia, cho thấy uy tín tôm Việt không hề nhỏ.

Hoàng Anh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...