|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ khởi sắc trong tháng 11, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn giảm

10:09 | 15/12/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam Mỹ tháng 11 đạt 131 triệu USD, tăng trưởng hai con số so với tháng 11/2022. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản vẫn giảm 5%, Trung Quốc giảm hơn 15% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng hai con số

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 790 triệu USD, giảm 6% so với tháng trước và đi ngang so với tháng 11/2022.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022.

Trong số 5 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất, chỉ có xuất khẩu sang Mỹ (đứng thứ hai về thị phần) và Hàn Quốc (đứng thứ 4 về thị phần) ghi nhận tăng trong tháng 11 lần lượt 12% và 3% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tháng 11 đạt 131 triệu USD, giảm 9% so với tháng 10 nhưng tăng 12% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,44 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 17,6% tổng kim ngạch ngành. 

 

 

Nhật Bản, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt kim ngạch 145 triệu USD trong tháng 11, tăng 0,5% so với tháng trước nhưng giảm 5% so với tháng 11/2022. Đây là mức giảm so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 3.

Tính chung 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.

 

Cùng với đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc trong tháng 11 cũng giảm mạnh 20% so với tháng trước và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 106 triệu USD.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,25 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành. 

Doanh nghiệp tôm kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường Mỹ và Nhật Bản

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, ngành tôm chiếm tỷ trọng khá lớn 38%.11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm cả nước ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thế giới dư thừa, giá bán hạ.

Tính riêng tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 310 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, cải thiện nhiều so với mức giảm sâu 35% hồi tháng 4.

 

Trong báo cáo ngành thủy sản mới công bố, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Nhật có thể hồi phục sớm hơn EU về giá trị khi giá bán tăng trở lại. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thị trường chính là hai nước này gồm Thực phẩm Sao Ta và Minh Phú.

Trong những tháng gần đây, xuất khẩu tôm sang Mỹ cải thiện nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục, tuy nhiên, sản phẩm tôm nguyên liệu vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá từ các nước Ecuador và Ấn Độ. Giá bán của tôm Ecuador và Ấn Độ liên tục giảm do nguồn cung lớn đến từ tỷ lệ nuôi tôm thành công cao.

Đối với thị trường Nhật Bản, tôm Việt vẫn duy trì khả năng cạnh tranh cao nhờ vào sản phẩm chế biến sâu, cũng như uy tín lâu năm trong ngành. Nhật Bản được biết đến là thị trường khó tính trong việc kiểm soát chất lượng đầu vào, tuy nhiên, khi đã có sự tin tưởng nhất định, các doanh nghiệp Nhật sẽ ít thay đổi nhà cung cấp.

 

 

Về tình hình kinh doanh, VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp trong quý IV của các doanh nghiệp tôm có thể được cải thiện nhờ vụ thu hoạch tôm nuôi.

VDSC kỳ vọng khi hiệu ứng EL Nino kéo dài có thể giúp các doanh nghiệp có thể thả nuôi tôm trái vụ. Ví dụ như doanh nghiệp Sao Ta thả nuôi vào tháng 11 và có thể thu hoạch vào tháng 1, giúp tăng sản lượng tôm tự nuôi và giảm giá vốn.

Đồng thời, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật như Sao Ta sẽ ghi nhận chi phí vận chuyển thấp do ưu thế về thời gian vận chuyển (khoảng 3 ngày) trong khi sang Mỹ phải mất tới 30-45 ngày.

Cá tra chờ tín hiệu tiêu thụ cuối năm của Mỹ, Trung Quốc

Đứng sau tôm, xuất khẩu cá tra trong 11 tháng đạt gần 1,7 tỷ USD, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Mặt hàng này chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

 

VDSC cho rằng xuất khẩu cá tra trong quý IV có thể tăng nhẹ nhờ sự phục hồi về sản lượng tiêu thụ tại trường Trung Quốc và Mỹ, còn EU vẫn duy trì ổn định.

Theo đó, lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang tăng trở lại sau khi hàng tồn kho giảm và nhu cầu tiêu thụ mùa lễ hội cải thiện. Tuy nhiên, giá bán chưa cải thiện do mức nền cao của năm 2022.

VDSC kỳ vọng giá bán và lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2024 sẽ tương đương mức trung bình 5 năm, giai đoạn 2015-2019, khi lượng tồn kho tại Mỹ giảm và kinh tế ổn định.

Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong quý IV cũng được kỳ vọng tăng trưởng dương, khi nhu cầu về tiêu thụ cải thiện hơn vào mùa lễ hội và các hạn chế về dịch Covid-19 được nới lỏng.

Về tình hình kinh doanh, VDSC cho rằng biên lợi nhuận gộp ngành cá tra trong quý IV dự kiến khó cải thiện do giá bán trung bình được dự báo tiếp tục giảm trong khi giá nguyên liệu có thể tăng trở lại.

Các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao ở EU sẽ có giá bán trung bình thấp hơn của các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu ở Trung Quốc và Mỹ.

Hoàng Anh