Xuất khẩu thịt heo: Bữa tiệc doanh nghiệp Việt đành bỏ lỡ
Hiện nay, lượng thịt heo xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Theo đó, năm 2021, tổng sản lượng heo xuất chuồng của cả nước đạt khoảng 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 5.000 tấn, tức 0,12% tổng sản lượng thịt heo. Con số này càng nhỏ bé so với tổng thương mại thịt heo toàn cầu là khoảng 12,5 triệu tấn năm ngoái và dự kiến tăng thêm 2% trong năm 2022.
Sản phẩm xuất khẩu cũng chỉ chủ yếu là heo sữa và heo choai sang các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia mà không phải các sản phẩm có thể sản xuất quy mô lớn như đông lạnh hay thịt tươi.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, trong khi đó nhu cầu thế giới vẫn đang ở mức cao, thậm chí một số nước còn thiếu nguồn cung do ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi, thì việc tỷ trọng xuất khẩu còn thấp dường như không tương xứng.
Nguyên nhân không phải vì doanh nghiệp không mặn mà với việc xuất khẩu mà vì hoạt động quản lý dịch bệnh vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của quốc tế.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết Việt Nam vẫn chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Ngay cả thị trường Trung Quốc, nơi nhu cầu rất cao, Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch thịt đông lạnh. Hiện chúng ta mới chỉ xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Trên thực tế, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn rất “thèm khát” miếng bánh xuất khẩu và cũng đã “lên dây cót” sẵn sàng cho việc này khi đầu tư vào chuỗi chăn nuôi 3F (Feed - Farm - Food). Trong đó, các trang trại chăn nuôi và lò giết mổ đều đạt tiêu chuẩn GlobalGap với công suất lớn. Tuy nhiên, điều còn thiếu đó chính là một vùng chăn nuôi an toàn sinh học được OIE công nhận.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết công ty đang hướng tới việc xuất khẩu thịt heo tươi sang các quốc gia. Hiện, công ty đang có nhà máy giết mổ đạt công suất lên tới 2.500 con/ngày phục vụ cho nhu cầu trong nước và mong muốn mở rộng sang xuất khẩu.
Tuy nhiên doanh nghiệp đang thiếu thông tin về tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu xây dựng các vùng chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Một doanh nghiệp khác mới đây niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty Cổ phần nông nghiệp BaF cho biết sắp tới sẽ đầu tư 2 nhà máy giết mổ. Trong đó, đáng chú có 1 nhà máy ở Bình Phước với công suất lơn tới 240 con/giờ có thể bao tiêu toàn bộ số heo đầu ra của BaF.
“Rõ ràng nhu cầu thịt trên thế giới đang rất lớn và việc xuất khẩu là tất yếu. BaF cũng đang dự định xuất khẩu và đã chuẩn bị rất sẵn sàng với chuỗi 3F (Feed-Farm- Food) đều theo các tiêu chuẩn. Chăn nuôi theo chuẩn VietGap còn nhà máy giết mổ theo chuẩn GlobalGap và tiêu chuẩn FSSC 22000, cao hơn cả ISO 2000. Do đó, các Bộ ngành cần có các thông tư hướng dẫn để tạo nhiều điều kiện cho các công ty có thể xuất khẩu thịt”, ông Phan Ngọc Ấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp BaF cho biết.
Các vùng chăn nuôi của Việt Nam hiện nay giống như "nồi xôi đỗ", trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó.
Trong một vài năm trở lại đây dưới tác động của dịch bệnh (dịch tả heo Châu Phi và COVID-19) kèm với chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại lớn, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể, từ 4 triệu hộ còn 2 triệu hộ. Tuy nhiên, con số này vẫn chiếm khoảng 35 - 40% cơ cấu chăn nuôi heo.
Việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo đủ điều kiện an toàn sinh học phân bổ xen lẫn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn càng khiến kế hoạch xây dựng vùng chăn nuôi an toàn được OIE công nhận càng trở nên xa vời.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho biết thời gian qua cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi nhưng cần xem những điều điều kiện này bám sát thực tế chưa, đặc biệt liên quan đến vấn đề khoảng cách giữa các trại.
Ông Khánh cho rằng việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn mà còn khâu kiểm tra chặt và liên tục.
“Ví dụ như bản thân trang trại chúng tôi xây dựng hệ thống an toàn rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình vận hành chỉ cần anh em lơ là một chút là đã có nguy cơ rồi chứ chưa nói đến nông hộ. Khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh rồi thì cần cơ chế kiểm soát và tần suất xử lý vi phạm như nào để đạt được vùng an toàn sinh học là điều quan trọng không kém”, ông Khánh nói.
Vị này cho rằng về lâu dài cần có nhiều cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn chăn nuôi chuyên nghiệp, nâng tỷ trọng nhóm này hơn và giảm tỷ trọng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đặt giả định nếu doanh nghiệp vượt qua được rào cản kỹ thuật, đủ điều kiện để xuất khẩu thì bài toán về chi phí chăn nuôi cũng đang là rào cản không hề nhỏ. Hiện tại, chi phí chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn đang cao hơn so với khu vực và thế giới.
Đơn cử như năm 2019, đối với các trang trại tự cung cấp được con giống, tự chủ được thức ăn chăn nuôi thành phẩm thì chi phí khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg. Riêng đối với chăn nuôi nông hộ phải đi mua heo giống và thức ăn chăn nuôi bên ngoài thì chi phí có thể lên tới 52.000 - 54.000 đồng/kg. Như vậy tính trung bình chi phí chăn nuôi của Việt Nam khoảng 50.000 đồng/kg.
Nhìn sang thế giới thời điểm đó, theo số liệu củaBan Phát triển Nông nghiệp và Làm vườn của Anh (AHDB) chi phí chăn nuôi của EU khoảng 1,42 euro/kg (tương đương khoảng 35.000 đồng/kg). Còn tại các nước châu Mỹ (như Mỹ, Brazil) với thế mạnh tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chi phí thậm chí dưới 1 euro/kg (tức dưới 25.000 đồng/kg).
Điểm thắt lớn nhất hiện tại là hiện Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (ngô, đậu tương…). Trong khi đó, khoản này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu chi phí chăn nuôi.
Còn chưa kể, doanh nghiệp phải chịu các chi phí khác trong quá trình xuất khẩu như vận chuyển, thuế phí…
Do đó, ngay cả khi thịt heo Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước thì cũng khó lòng cạnh tranh vì chi phí chăn nuôi quá cao.
Hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đang tính đến chuyện phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian nữa để các vùng nguyên liệu có thể hình thành và khai thác.
Theo Cục Chăn nuôi, nguồn nguyên liệu thức ăn tinh trong nước sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong giai đoan 2021-2025 và các năm tiếp theo.