Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Những điểm đáng lưu ý
Sản lượng sầu riêng của Trung Quốc
Theo Dự án Hỗ trợ Hợp tác Kinh tế Khu vực tại Châu Á (SRECA) thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), hiện Trung Quốc không trồng sầu riêng thương mại. Tuy nhiên, sầu riêng ngày càng phổ biến và có giá trị cao, nông dân tỉnh Hải Nam ở cực nam Trung Quốc đã bắt đầu trồng thử nghiệm và đạt được thành công bước đầu.
Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam đã lập một khu trồng thử nghiệm sầu riêng, còn các quan chức nông nghiệp địa phương thì liên tục kêu gọi nông dân chờ thêm kết quả nghiên cứu trước khi trồng sầu riêng ở quy mô thương mại.
Do cây sầu riêng cần 4 - 5 năm để ra trái và lâu hơn nữa để có thể đạt mức độ sản xuất thương mại, dự kiến sầu riêng nội địa Trung Quốc sẽ không đóng vai trò quan trọng trên thị trường trong nước những năm tiếp theo.
Tình hình nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc
Số liệu chính thức cho thấy, 100% sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Thái Lan với khối lượng và giá trị năm 2018 tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Năm 2018, nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc đạt 432.000 tấn với trị giá 1,1 tỉ USD, qua đó đưa sầu riêng trở thành loại trái cây nhập khẩu có giá trị lớn thứ hai tại Trung Quốc, sau quả anh đào (cherry).
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết rằng sầu riêng Việt Nam cũng chiếm một phần quan trọng trong thị trường sầu riêng Trung Quốc những năm gần đây khi giúp bù đắp lượng sầu riêng Thái bị giảm vào mùa đông.
Không những vậy, sầu riêng Việt Nam cũng làm tăng cạnh tranh trên thị trường và giúp kéo giá sầu riêng Thái Lan xuống.
Tuy nhiên vào năm 2019, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu sầu riêng Việt Nam bất hợp pháp trong khi hai nước đàm phán các thỏa thuận gia nhập thị trường chính thức.
Trong thời gian thực hiện nghiên cứu này, sầu riêng Việt Nam không được bán trong các chợ đầu mối trái cây ở khắp Trung Quốc nhưng có thể tìm thấy ở một số chợ bán buôn gần biên giới.
Năm 2018, có 15 tỉnh và vùng của Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng Thái Lan. Chỉ riêng ba tỉnh/vùng gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam đã nhập đến 96% lượng sầu riêng nhập khẩu.
Mặc dù không được thống kê trong các số liệu chính thức, sầu riêng Việt Nam cũng vào Trung Quốc qua đường thương mại biên giới ở tỉnh Quảng Tây.
Giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan trung bình đã tăng 35% trong 5 năm qua, từ 1.878 USD/tấn trong năm 2014 lên 2.535 USD/tấn vào năm 2018.
Năm 2019, sầu riêng đông lạnh nguyên trái từ Malaysia được cấp quyền gia nhập Trung Quốc. Trước đó, chỉ cơm (thịt) sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào Trung Quốc và được dùng làm nguyên liệu thành phần trong nhiều loại thực phẩm có vị sầu riêng.
Tuy nhiên, sầu riêng đông lạnh nguyên trái được cho là có chất lượng tốt cùng độ chín tối ưu, có thể được sử dụng trực tiếp những lúc trái mùa, khi không có sầu riêng tươi từ Thái Lan.
Tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc
Là loại trái cây nhập khẩu có giá trị lớn thứ hai sau cherry, sầu riêng đã trở thành một trong những loại trái cây nhập khẩu được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc.
Các sàn thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc giúp loại trái cây này ngày càng trở nên phổ biến. Mùa xuân năm 2018, Tập đoàn Alibaba đã kí một thỏa thuận với chính phủ Thái Lan để mua 473,6 triệu USD sầu riêng Thái Lan trong ba năm.
Để ăn mừng thỏa thuận này, một chương trình quảng bá của Alibaba trên Tmall đã bán được 80.000 quả sầu riêng Thái Lan trong vòng dưới 1 phút.
Không lâu sau đó, công ty thương mại điện tử hàng đầu khác của Trung Quốc là JD.com, đã kí một đơn đặt hàng 6 triệu quả sầu riêng Thái Lan, trong khi một công ty thương mại điện tử khác nữa là Suning đã bán 200 tấn sầu riêng Thái Lan chỉ trong hai ngày.
Năm 2019, sầu riêng vẫn là một loại trái cây phổ biến và là mục tiêu của nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng ở mảng bán lẻ cả trực tuyến lẫn truyền thống.