Xuất khẩu rau quả khó về đích 3,5 tỷ USD dù đón nhiều tin vui từ thị trường Trung Quốc
Khó về đích 3,5 tỷ USD
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 xuất khẩu rau quả đạt 273 triệu, tăng 9% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường chính là Trung Quốc ghi nhận giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2021 với 967,5 triệu USD. Việc Trung Quốc chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng và chanh leo sang thị trường này cũng đặt ra nhiều kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết 8 tháng đầu năm, bình quân kim ngạch xuất khẩu rau quả khoảng 250-260 triệu USD/tháng.
“Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu rau quả năm 2022 khó có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD và con số khả quan là 3,1 – 3,2 tỷ USD, tương đương giảm 10% so với năm 2021”, ông Nguyên dự báo.
Sở dĩ, đại diện Vinafruit cho rằng xuất khẩu rau quả năm 2022 sẽ đi lùi bởi Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero COVID, trong khi các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhưng giá trị không cao, không thể bù đắp cho khoảng trống ở thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, mặt hàng sầu riêng sắp được xuất khẩu những lô hàng đầu tiên nhưng hiện đang là cuối vụ, sản lượng cho thu hoạch không còn nhiều; trong khi chanh leo mới chỉ được xuất khẩu thí điểm, số lượng và kim ngạch chưa lớn.
Do vậy, giai đoạn 4 tháng cuối năm 2022 là thời điểm Việt Nam xúc tiến xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên, thăm dò thị trường để chuẩn bị cho sự bùng nổ của năm 2023.
“Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Đợt hạn hán vừa qua ở Trung Quốc khiến nhiều diện tích cây thanh long, trái cây bị hư hại, do vậy nước này sẽ tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra cho đến chính vụ sầu riêng (tháng 4,5/2023) Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Việc xuất khẩu loại quả có giá trị cao này sẽ giúp kim ngạch chung tăng trưởng mạnh”, ông Nguyên nói.
Mặt khác, các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp đà tăng trưởng của năm 2021 bởi người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe, tiêu thụ nhiều rau quả hơn hậu COVID-19.
Mượn chuyện sầu riêng nói về thương hiệu nông sản
Thực tế, Trung Quốc đang chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Nhìn từ Thái Lan và Malaysia để thấy sự kiện trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho ngành rau quả Việt Nam.
Tuy nhiên ngay sau khi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ở khu vực cửa khẩu đã ghi nhận tình trạng có một số lô hàng gian lận mã số vùng trồng, container đưa sầu riêng lên đến cửa khẩu nhưng thực tế ở địa phương cây mới đang ra hoa, chưa có quả.
“Nếu Trung Quốc phát hiện ra sự việc này, công sức của chúng ta sẽ đổ sông, đổ bể. Chúng ta không chỉ mất uy tín, mà có thể mất cả thị trường. Một người gian lận sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng sầu riêng, 30 tỉnh trồng sầu riêng và hàng vạn nông dân”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cảnh báo.
Trước tình trạng trên, Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần có biện pháp bảo vệ mã số đã được cấp, trước mắt khi ủy quyền xuất khẩu sẽ phải thông tin ngay về Cục để tránh gian lận mã số.
Ngoài ra, Cục nhấn mạnh không gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam thậm chí mất thị trường.
Trước sự việc này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng chuỗi ngành hàng rau quả, sầu riêng cần ngồi lại với nhau để chuẩn bị cho chuyến đi xa.
Nhắc lại một ví dụ về việc một số thương lái đem cam ở Cao Phong, Hòa Bình đem trộn với cam ở Vinh, khi biết cam Vinh lên giá, Bộ trưởng cho rằng cần bỏ thói làm ăn chụp giật, tư duy thương vụ, chuyến hàng và “vết xe đổ” này không thể lặp lại với ngành sầu riêng và rau quả nói chung.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn doanh nghiệp Việt không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc.
“Các nước như Malaysia hay Thái Lan, vốn đang chiếm thị phần sầu riêng rất lớn ở Trung Quốc, sẽ không đi nếm thử sầu riêng Việt Nam ngon hơn, ngọt hơn hay không, mà xem xét cách chúng ta triển khai xuất khẩu.
Chúng ta đang có loại trái cây đặc biệt, song để đẩy mạnh giá trị của nó thì cần dựa vào hệ sinh thái gồm những người làm trong ngành hàng này. Đó mới là yếu tố tiên quyết tạo nên sức sống của sầu riêng ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng dẫn chứng câu chuyện từ một ngôi làng nghèo nhất trở thành giàu nhất Nhật Bản nhờ trồng xà lách.
“Thế giới gọi là ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản. Họ thành công vì họ bán niềm tin, bán sức khỏe cho người tiêu dùng, chứ không bán sản phẩm. Ai làm sai quy trình thì bị loại ra khỏi thương hiệu xà lách của làng”, ông Hoan cho biết.
Do đó, Bộ trưởng Hoan cho rằng cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng. Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Đó chính là xây dựng thương hiệu.