Xuất khẩu rau quả 2 tháng cuối năm có khả quan với con số 1 tỉ USD?
Mục tiêu xuất khẩu rau quả 2019 khó hoàn thành
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 10 ước đạt 257 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 3 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kì năm 2018.
Nguyên nhân giảm mạnh là giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm sâu như nhãn giảm đến 50,6%, nấm giảm 46,3%, dừa 35,7%, dưa hấu 30,3% và sầu riêng giảm hơn 14%.
Về thị trường, dù một số thị trường xuất khẩu tăng rất mạnh như Lào gấp 4,14 lần, Hong Kong gấp 3,15 lần, Đài Loan tăng 56,8%, Hà Lan tăng 41,6% và Nhật Bản tăng 24,3%.
Tuy nhiên, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm aay với 67,7% thị phần lại tiếp tục giảm mạnh về giá trị xuất khẩu với mức giảm 14,4% so với cùng kì năm 2018, kim ngạch đạt gần 2 tỉ USD.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết việc giảm này do từ đầu năm đến nay, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau quả nhập khẩu đồng thời, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và nhà sản xuất của Việt Nam chưa chuyển đổi và thích ứng kịp với những thay đổi từ thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm giảm xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Từ đó, hàng nông sản của Trung Quốc quay lại tiêu thụ nội địa và hạn chế nhập khẩu từ các thị trường khác.
Thực tế diễn ra thời gian qua cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều loại trái cây Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, gần đây nhất là vụ việc hàng trăm container nông sản của Việt Nam ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
ỹnhuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 3 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kì năm 2018. Ảnh: Như Huỳnh.
Trong khi đó, năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đặt mục tiêu 4 - 4,2 tỉ USD. Nhưng hiện đã qua hơn 3/4 chặng đường, con số đạt được mới là 3,1 tỉ USD. Như vậy, muốn đạt mục tiêu tối thiểu 4 tỉ USD, hai tháng cuối cùng của năm nay, xuất khẩu rau quả phải thu về tới 1 tỉ USD.
Đây được xem là con số không khả thi khi giá trị xuất khẩu mặt hàng này chỉ khoảng 200 - 300 triệu USD/tháng và Trung Quốc đang ngày càng giảm lượng nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nông sản các nước khác.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác như EU cũng sẽ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe, trong đó có việc siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành qui định về truy xuất nguồn gốc…
"Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay dự kiến sẽ không đạt được như năm ngoái. Tuy nhiên, sang năm 2020, cùng với việc đẩy mạnh đàm phán thêm nhiều loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt đã làm quen với những thay đổi từ thị trường này, kim ngạch xuất khẩu rau quả kì vọng sẽ tăng lên", ông Nguyên dự báo.
Giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu rau quả
Hiện thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc, thị trường này có nhu cầu rất cao trong việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Với khoảng cách địa lí gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành sản phẩm rẻ… đây được xem là lợi thế lớn để rau quả Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
"Vấn đề làm sao để Việt Nam đưa hàng sang thật nhiều và đáp ứng đúng yêu cầu từ phía Trung Quốc. Trong đó, cần đẩy nhanh việc đăng kí mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc", Tổng thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.
Rau quả Việt cần đa dạng thị trường xuất khẩu để khai thác tốt tiềm năng của ngành hàng. Ảnh: Như Huỳnh.
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, về kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có một số kết quả, được kì vọng sẽ giúp rau quả Việt Nam rộng cửa vào thị trường tỉ dân.
Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặt hàng đang được thúc đẩy khá tích cực là sầu riêng. Bên cạnh đó, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc như dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…
Hồi tháng 8/2019, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc công bố các báo cáo liên quan đến kiểm dịch măng cụt Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
"Thời gian tới măng cụt Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại các siêu thị và cửa hàng tại Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai thác thị trường măng cụt Trung Quốc", Bộ Công Thương cho hay.
Không chỉ đối với thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường cho rau quả.
Ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách thị trường Việt Nam và Thái Lan Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, nhận định thị trường châu Âu nói riêng và Á - Âu nói chung là thị trường tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam.
Chẳng hạn, với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp của hai thị trường. Để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng, Việt Nam cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
"Đầu tư công nghệ mới, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu hàng hóa, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng là giải pháp để nâng cao năng lực xuất khẩu", ông Willem Schoustra khuyến nghị.