|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều thị trường tăng bật đến hơn 300% nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng vẫn giảm

09:57 | 03/10/2019
Chia sẻ
Nhiều thị trường tăng mạnh bên cạnh việc mở cửa thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới nhưng 9 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả vẫn giảm, trong khi chiều nhập khẩu lại tăng.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9/2019 ước đạt 295 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,84 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kì năm 2018.

Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần, đạt 1,8 tỉ USD, giảm hơn 10% so với cùng kì năm 2018.

Xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: nhãn giảm 43%, sầu riêng giảm 20,2%, dừa giảm 30,8%, dưa hấu giảm 26,3%, chôm chôm giảm 7,3%...

Tuy nhiên, một số thị trường khác vẫn có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh như Indonexia tăng đến 302%, Lào tăng 184%, Italia tăng 160% , Hong Kong tăng gần 160%.

20

Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: nhãn giảm 43%, sầu riêng giảm 20,2%...

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 9/2019 đạt 115 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kì năm 2018.

Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 434 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kì 2018 và mặt hàng quả đạt 899 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kì năm 2018.

Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2019 chiếm thị phần lần lượt là 35,5% (giảm 3,2%) và 25,7% (tăng 19,8%) so với cùng kì năm 2018. Tiếp theo là Mỹ, Asutralia, New Zealand tăng lần lượt là 72,7%; 5% và 44,4%.

Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành rau quả Việt Nam nhiều lợi ích khi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi đi vào các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... 

Tuy nhiên, mặt trái của các hiệp định này là sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường nhiều loại trái cây trong nước diễn biến giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ quốc gia lân cận Trung Quốc với những điều kiện khắt khe về xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong tháng 8/2019, quả nhãn tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Australia ssau vải, xoài, thanh long, quả xoài được phép xuất khẩu vào thị trường Chilê sau thanh long hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan cho ngành rau quả Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.

Như Huỳnh