Xuất khẩu nông sản vào EU và Nhật Bản: Lượng nhiều, giá trị vẫn ít
Cuba tìm cách tăng xuất khẩu nông sản không truyền thống |
Là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhưng hiện nay nông sản Việt đang đứng trước những thách thức, rào cản tại thị trường châu Âu cũng như Nhật Bản.
Loạt bài viết “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm sang EU, Nhật Bản” sẽ tập trung nêu thực trạng, những giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường được coi là khó tính như EU, Nhật Bản trong thời gian tới.
Với thế mạnh là một nước nông nghiệp nhiệt đới đã và đang hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Lợi nhuận xuất khẩu bị chia sẻ
Tuy nhiên, với hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu nên xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian. Đặc biệt, nhiều nông sản được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, phải sử dụng thương hiệu nước ngoài, gây bất lợi không nhỏ ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương Trà, quản lý phòng xuất nhập khẩu, Công ty TNHH IDD Việt Nam. |
Là một trong những công ty tiên phong trong sản xuất và phân phối cà phê rang xay nguyên chất, Công ty TNHH IDD Việt Nam mong muốn có thể phát triển một “hệ sinh thái cà phê” rộng lớn để hành trình “từ nông trại đến ly cà phê” được xuyên suốt, mang lại sản phẩm cà phê nguyên chất thơm ngon tới mọi vùng miền.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Trà, quản lý phòng xuất nhập khẩu của IDD cho biết, để đưa những sản phẩm cà phê hảo hạng cho người Việt Nam và mang thương hiệu cà phê đẳng cấp của Việt Nam tới thế giới, quá trình chuẩn bị cho việc xuất khẩu cà phê sang thị trường EU đã được IDD chuẩn bị và đầu tư rất lớn về quy trình sản xuất từ quy trình trồng đến quá trình chế biến cà phê, rang xay và đóng thành phẩm, bao bì bao gói dưới quy trình kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến nhất.
“Bản thân công ty hoàn toàn tự tin với dòng sản phẩm cà phê xuất khẩu đến những thị trường khó tính. Công ty đã có rất nhiều những buổi ra mắt, giới thiệu đến các khách hàng châu Âu để họ thẩm định và đã được đánh giá là sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm thành công, doanh nghiệp vẫn cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa về mặt thủ tục, công nhận chứng nhận chất lượng để đáp ứng về mặt pháp lý, khi đó sản phẩm cà phê sẽ dễ dàng hơn khi xâm nhập thị trường châu Âu, Nhật Bản”, bà Trà cho biết.
Theo đánh giá của ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những kết quả đạt được trong việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian qua là hết sức tích cực. Tuy nhiên, ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, ngoài những khó khăn cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu. Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Nhiều cảnh báo
Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực thị trường EU, do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Đặc biệt, thời gian tới EVFTA được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Theo đó, gạo Việt Nam XK vào EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng. Thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7 - 10 năm…
Tuy nhiên, ông Quân cũng lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bởi EU là thị trường này rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế, rau quả của Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của EU. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu ở dạng tươi, sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công.
“Hiện nay rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phầm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%; đồng thời EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị…Đặc biệt, hàng thủy sản của Việt Nam vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo vàng trong quy chế IUU-UE tiếp tục giám sát chặt chẽ trong 6 tháng tiếp theo đến tháng 10/2018”, ông Quân cảnh báo.
Nhiều chuyên gia phân tích thuận lợi khó khăn khi xuất khẩu nông sản thực phẩm và thị trường EU và Nhật Bản. |
Riêng đối với mặt hàng gạo, ông Trần Ngọc Quân cho biết, mặt hàng này của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hưởng hạn ngạch quan thuế theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp), trong khi Hoa kỳ, Thái lan, Australia được hưởng hạn ngạch riêng.
Không chỉ vậy, Ủy ban châu Âu (EC) còn đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Đây là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Italy, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.
Nhận định về thị trường EU trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân cho rằng, do kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, điều, rau quả, cà phê, cao su vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt trong thời gian tới, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt qua thách thức và tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn này.
Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có vị trí xuất khẩu cao trên thế giới như mặt hàng điều, hồ tiêu (đứng thứ nhất); mặt hàng cà phê (đứng thứ hai); mặt hàng gạo (đứng thứ ba). Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 7 tháng đầu năm 2018 đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam có cơ hội đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 3,6%, hàng thủy sản ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3%, các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. |