Cuba tìm cách tăng xuất khẩu nông sản không truyền thống
Đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông, châu Phi |
Theo các quan chức hàng đầu tại Tập đoàn Agroforestry (GAF), một đơn vị của Bộ Nông nghiệp Cuba, tập đoàn đang lên kế hoạch tạo ra 34 triệu USD nhờ xuất khẩu các sản phẩm hàng đầu của công ty.
“Kế hoạch của chúng tôi trong năm nay là vượt qua giá trị xuất khẩu đạt được trong năm 2017 ở 30 triệu USD, và tiếp tục giúp nền kinh tế Cuba giảm nhập khẩu bằng cách sản xuất hàng hóa với nguồn nguyên liệu của riêng mình”, ông Arturo Forteza, Phó Chủ tịch đầu tiên của GAF, cho biết trong một buổi họp báo gần đây.
Ông Forteza giải thích rằng việc nuôi ong và những sản phẩm từ hoạt động này như mật ong, sáp và sữa ong chúa royal jelly, tạo ra doanh thu nhiều nhất cho tập đoàn, với trung bình 28 triệu USD giá trị xuất khẩu mỗi năm.
Con số doanh thu này là lý do các khoản đầu tư được tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong việc thiết lập nhà máy chế biến mật ong và đóng gói sản phẩm loại nhỏ.
“Chúng tôi đang tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp nuôi ong, ngoài việc sản xuất mật ong. Chúng tôi muốn phát triển cấu trúc thị trường và sản xuất”, ông Forteza cho biết.
Ông Mercedes de la Cruz, Giám đốc hoạt động phòng thị trường tại GAF, cho biết thị trường chính của mật ong Cuba là châu Âu, với Đức là nơi có nhu cầu cao nhất.
GAF cũng đang tìm kiếm thị trường tại những quốc gia khác, như Canada, Costa Rica, Colombia và Trung Quốc.
“Mục tiêu là tăng giá trị cho sản phẩm của chúng tôi thông qua việc sản xuất mẫu sản phẩm nhỏ và đa dạng hơn để bán với mức giá cao hơn. Đối với mật ong, giá đang ở mức trên 4.000 USD/tấn”, ông De la Cruz cho biết.
Cuba hiện xuất khẩu mật ong trong các hũ lớn sang nhiều thị trường châu Âu.
Lazaro Garcia, Giám đốc công ty sản xuất mật ong Apicuba, lý giải mỗi năm Cuba sản xuất khoảng 8.000 tấn mật ong, với khoảng 95% được xuất khẩu.
Theo Apicuba, mục đích của nhà sản xuất là có tổng cộng 220.000 tổ ong, tăng sản xuất trong tương lai gần lên 15.000 tấn mật ong hàng năm. Nếu mức giá hiện tại được duy trì, sản xuất mật ong có thể tạo ra 61 triệu USD.
Ảnh minh họa. |
Một sản phẩm tiềm năng khác của tập đoàn là than củi, với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 280.000 tấn, chủ yếu được vận chuyển sang châu Âu, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy.
Ông De la Cruz cho biết, hiện có khoảng 7 công ty nhà nước đang sản xuất than củi, được dự báo xuất khẩu đến 130.000 tấn trong năm nay.
Những kết quả tích cực này là nhờ việc đa dạng hóa sản xuất than củi từ gỗ chất lượng cao.
Ngoài ra, sản lượng cà phê gia tăng tại Cuba là một mục tiêu khác của Apicuba, được dự báo sẽ tăng trưởng một cách bền vững.
Theo Forteza, công ty đang hợp tác với Việt Nam để phát triển cà phê chất lượng cao sau khi sản lượng xuống mức thấp kỷ lục trong năm ngoái vì bão.
Bất chấp những thất bại của ngành công nghiệp, nhiều bước tiến quan trọng đã được triển khai, như giới thiệu máy xay vỏ cà phê sinh học.
“Chúng tôi đang cải thiện công nghiệp tại hai nhà máy ở Guantanamo và Santiago tại Cuba, nhờ đó nâng cao chất lượng cúa sản phẩm mạnh nhất của chúng tôi”, ông Forteza cho biết.
Hiện, Nhật Bản là thị trường chính của cà phê Arabica Cuba, nhập khẩu với giá khoảng 10.000 USD/tấn.
Cuba cũng tham gia vào việc đa dạng hóa và mở rộng sản xuất các mặt hàng khác như nhựa thông, ca cao, dừa và cây dứa sợi để thu hút ngoại tệ và thay thế nhập khẩu.
Cuba, quốc gia nằm ở vùng Caribbean, vẫn đang chịu hậu quả tàn phá mà cơn bão Irma mang lại hồi tháng 9/2017, khiến quốc gia này mất hơn 13 tỷ USD.
Trong tháng 5/2018, cơn bão cận nhiệt đới Alberto gây ra một đợt khủng hoảng nữa cho nền kinh tế này, khiến mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt phá hoại nghiêm trọng ngành nông nghiệp.