|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có thể tăng bật trong năm 2023

09:39 | 15/02/2023
Chia sẻ
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc dự báo xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng trái cây sang khu vực này được kỳ vọng tăng bật khi Trung Quốc đã mở cửa kinh tế.

Tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới”, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho biết thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, lần lượt chiếm tỷ trọng 54%; 91,5% và 71%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt – Trung.

Tại Quảng Tây, trái cây là sản phẩm được chú trọng nhất bởi tỉnh có nhiều cửa khẩu thông quan với Việt Nam. Do đó, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này. 

Theo đó, ông Sơn khuyến nghị doanh nghiệp cần chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Dẫn chứng cho khuyến nghị này, ông Sơn nêu thực tế hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam, song hai nước chưa ký kết nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng.

“Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này”, ông Sơn chia sẻ.

Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin thêm từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Ga Kép sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, đồng thời giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cũng khẳng định Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với lợi thế nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển.

“Trong suốt thời gian dịch bệnh, chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) là thông quan không ngừng. Năm 2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang tỉnh Quảng Tây chỉ giảm 0,2% so với năm 2021. Xuất khẩu nông sản sang tỉnh Quảng Tây năm 2023 được kỳ vọng sẽ bật lên mạnh mẽ khi Trung Quốc đã mở cửa kinh tế”, ông Trung nói.

Về phía đối tác Trung Quốc, ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây cho biết mạng lưới thu mua nông sản của hiệp hội này hoạt động tốt, có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu hàng từ Việt Nam qua đường bộ, đường sắt, đường biển. Ông Vương kỳ vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp nhất với các nhà cung cấp trái cây Việt Nam và giảm bớt các liên kết lưu thông.

“Chúng tôi kiến nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi”, ông Vương nói.

Tại hội nghị, ông Vương cũng mong muốn doanh nghiệp hai nước sẽ gặp gỡ, hợp tác và có nhiều đơn hàng kỳ kết tại Hội chợ thường niên Trung Quốc – ASEAN sẽ được tổ chức tại thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.

“Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc”, ông Vương nói.

Hoàng Anh