|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thời gian xét duyệt, cấp mã số vùng trồng cho trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc còn chậm

17:15 | 14/02/2023
Chia sẻ
Theo Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói cho một số loại trái cây còn chậm như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

Tại hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới diễn ra ngày 14/2, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết trong quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc, hai bên đã phối hợp ký kết và triển khai nhiều nghị định thư liên quan đến kiểm dịch thực vật.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính bởi những thay đổi như kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch), yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm, quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, ngành sản xuất trong nước như vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu, các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.

Với riêng Lệnh 248, 249, ông Đạt đánh giá yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP. Ngoài ra, hải quan Trung Quốc đang tạm ngừng việc đăng ký nhóm trái cây đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Để đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao của Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đưa các vấn đề về đàm phán rào cản kỹ thuật mở cửa thị trường nông sản vào nội dung các cuộc họp cấp cao. Đồng thời các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa, phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân.  

Ở góc độ hiệp hội, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Một vấn đề nữa là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

Do đó, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.  

Góp ý ở chiều ngược lại, ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây, kiến nghị phía Việt Nam cần tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi.

Theo ông Vương, mạng lưới thu mua nông sản của Hiệp hội này hoạt động rất tốt, có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu hàng từ Việt Nam qua đường bộ, đường sắt, đường biển. Nông sản Việt Nam được yêu thích ở Trung Quốc, từ những mặt hàng quen thuộc như sầu riêng, mít, thanh long... cho đến cà phê.

Do đó, đại diện các doanh nghiệp Quảng Tây hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp nhất với các nhà cung cấp trái cây Việt Nam và giảm bớt các liên kết lưu thông.

Như Huỳnh