|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc mở cửa trở lại: Không phải ngành nào cũng sẽ được hưởng lợi

21:23 | 01/01/2023
Chia sẻ
Theo SCMP, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19 từ ngày 8/1/2023. Đây được cho là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi chuỗi cung ứng trở nên thuận lợi hơn, chi phí đầu vào giảm xuống còn đầu ra của hàng hóa thông thoáng hơn sau gần ba năm gián đoạn vì COVID-19.

Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dự báo sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, thông tin mở cửa biên giới từ đầu tháng 1/2023 được cho là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động giao thương của Việt Nam và Trung Quốc trong năm sau.

Chia sẻ với người viết, TS Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế, cho hay: "Khi Trung Quốc đóng cửa, cung-cầu của nước ta đã bị gián đoạn nên khi thị trường này mở cửa trở lại, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới sẽ dễ "thở" hơn, bởi đây là một nền kinh tế lớn, quan trọng của thế giới".

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đạt hơn 162 tỷ USD. Tỷ trọng chiếm 24% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gần 109,5 tỷ USD tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 và xuất khẩu sang lục địa này 52,6 tỷ USD, tăng gần 5%.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Trong 11 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 57 tỷ USD, vượt cả mức thâm hụt thương mại của các năm gần đây.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; rau quả; thủy sản; cao su…Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… 

Xét cả đầu vào và đầu ra, Trung Quốc đều là thị trường quan trọng, tác động lớn đến quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, thương mại xuyên biên giới đã gặp khó khăn trong gian đoạn thực thi chính sách Zero-COVD của Trung Quốc. Các nhà máy không chỉ gặp khó khăn trong việc sản xuất các bộ phận và nhập khẩu vật liệu, mà việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới cũng gặp nhiều khó khăn. 

Chuyên gia Huỳnh Thanh Điền phân tích, thời gian qua, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID nhưng không đồng đều tại các tỉnh thành khiến việc nhập khẩu của doanh nghiệp khó khăn như phải mượn cảng, đi đường vòng, chi phí nhập khẩu cao hoặc đơn hàng bị trì hoãn.

Vì vậy, khi Trung Quốc dở bỏ chính sách này, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, giá nguyên vật liệu sẽ rẻ hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Điều này cũng xảy ra tương tự với chiều xuất khẩu, bởi Trung Quốc là thị trường đầu ra lớn của nhiều mặt hàng, khi đó cũng sẽ hưởng lợi do nhu cầu tiêu dùng của nước này dự kiến sẽ được thúc đẩy sau khi kinh tế mở cửa trở lại. 

Ngoài ra, theo ông Điền, bên cạnh tác động trực tiếp, việc mở cửa của Trung Quốc còn tác động gián tiếp đến kinh tế Việt Nam.

"Trong thời gian Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh với Trung Quốc gặp khó khăn, lúc đó doanh nghiệp Việt cũng không thể bán hàng được cho họ nên giờ Trung Quốc mở cửa, họ kinh doanh tốt hơn, kéo theo hoạt động mua bán với doanh nghiệp Việt Nam cũng thuận lợi hơn, từ đó gián tiếp tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam", ông Huỳnh Thanh Điền nói.

Nhiều ngành hàng kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc tái mở cửa

Thực tế, khi nói về thuận lợi của hoạt động xuất nhập khẩu chính là đang nói đến cơ hội phục hồi, tăng trưởng của các ngành hàng.

Theo nhận định của Công ty CP chứng khoán VNDirect, nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại là ngành thủy sản, cao su...Đây là các mặt hàng chịu tác động mạnh từ việc đóng-mở biên giới của Trung Quốc. 

Với thủy sản, tuy bị hạn chế nhiều trong nửa đầu năm 2022 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu toàn ngành trong năm 2023.  

Điều này tương đồng với nhận định của bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), khi cho biết Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

“Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác”, bà Lê Hằng nói.  

Không chỉ tác động đến các mặt hàng nông sản, thị trường Trung Quốc còn được kỳ vọng đem lại lối thoát cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đơn hàng trong lĩnh vực như dệt may, da giày, gỗ... 

Theo VNDirect, mặc dù không nằm trong nhóm hưởng lợi cao nhưng dệt may cũng là ngành được dự báo thuận lợi hơn khi Trung Quốc tái mở cửa.

Nguyên nhân Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48%, vì vậy, việc nước này mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may tại Việt Nam. Hơn nữa, lạm phát tại Mỹ, thị trường chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, được dự báo giảm về mức khoảng 2-4% trong năm 2023 cũng sẽ là yếu tố phục hồi cho ngành dệt may, đặc biệt là mảng sợi. 

Tương tự,  bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng cho rằng Trung Quốc mở cửa có thể giúp khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên và chiếm khoảng 50% trong 11 tháng đầu năm 2022.  

"Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn", báo cáo của Agriseco Research nêu.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh nghiệp gạo của Việt Nam sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu do Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 sang Trung Quốc, đã áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo từ đầu tháng 9/2022. Nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để thay thế, qua đó sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này. 

Không hoàn toàn là cơ hội

Bên cạnh những ngành được hưởn lợi, một số ngành được cho là sẽ chịu ảnh hưởng không mấy tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại. 

Trong báo cáo phân tích mới đây,  VNDirect cho rằng rằng phân bón sẽ là ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực với việc mở cửa của quốc gia láng giềng.

VNDirect dẫn số liệu cho thấy Trung Quốc là nước xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường khiến giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá.

Hơn nữa, xu hướng giảm này sẽ gia tăng do Nga, nước xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu, sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023.

"Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá bán giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu", VNDircet dự báo.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Huỳnh Thanh Điền việc nhập siêu từ Trung Quốc đã diễn ra từ lâu trong khi doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đơn hàng, đối tác trong thời gian Trung Quốc "đóng cửa" vì COVID chỉ là ngắn hạn.

"Chúng ta đã có ưu thế trong thời gian đó nhưng thực tế không thể xác định đó là lợi thế lâu dài, hưởng lợi trong ngắn hạn chỉ là việc cố gắng tận dụng, còn khi họ mở cửa mình sẽ có đối sách khác. Điều cần quan tâm lúc này là việc khai thác thị trường khi mà hai cường quốc thế giới là Trung Quốc và Mỹ áp thuế hàng hóa lẫn nhau thì đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tận dụng giành thị phần", ông Điền phân tích.

Như Huỳnh