|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh trong 4 tháng liên tiếp?

20:39 | 10/02/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật lý giải sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249 gây khó khăn cho các doanh nghiệp gạo.

Xuất khẩu gạo sang thị trường hơn 1 tỷ dân có xu hướng giảm mạnh trong khoảng 4 tháng qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong tháng 1, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 47.424 tấn, tương đương hơn 28 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 6% về giá trị so với tháng 1/2022.

Trước đó năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 851.000 tấn, tương đương 432 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 17% về giá trị so với năm 2021. 

Một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp phản ánh là sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ hoạ: Hoàng Anh)

Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chính thức để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm gạo và cám gạo từ năm 2016 và hiện Việt Nam có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu hai sản phẩm này sang Trung Quốc.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký theo các bước, gửi hồ sơ cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, lưu ý để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.

Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký theo các bước. Doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các hồ sơ này gửi cho Cục để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía nước bạn.

Theo thông lệ, 2-3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ gửi các danh sách này cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ chúng ta đã phê duyệt.

Những thay đổi trong chính sách của phía Trung Quốc là rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023, tuy nhiên điều này không có nghĩa doanh nghiệp không còn cơ hội.

Theo nhận định củaCTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco),gạo là một trong những mặt hàng nông sản hưởng lợi từ sự kiện Trung Quốc mở cửa kinh tế bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2022, chỉ sau Philippines.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ,quốc gia xuất khẩu gạo số một sang Trung Quốc, áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo từ đầu tháng 9/2022 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt thay thế, tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV, cũng cho rằng năm 2023 có nhiều triển vọng tích cực khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Trung Quốc giảm sản lượng do ảnh hưởng thiên tai. Trong khi đó, nhiều nước đang tranh thủ thu mua nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

"Do đó, Phước Thành IV đang chuẩn bị kế hoạch mua dự trữ hàng vụ Đông xuân sớm và vụ Đông xuân chính vụ nhằm đảm bảo nguồn hàng cho các đơn hàng xuất khẩu", vị này cho hay.

Hoàng Anh