|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản sang Australia: Cánh cửa rộng mở nhưng chưa nhiều doanh nghiệp có thể bước qua

10:19 | 01/04/2023
Chia sẻ
Trong năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD, tăng 19% so với năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn đang lép vế so với mức nhập khẩu 2,7 tỷ USD.

Thông tin từ hội thảo khoa học “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)” cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều Việt Nam-Australia giai đoạn 2010-2022 đạt 14%/năm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Australia vừa thiết lập kỷ lục mới 15,7 tỷ USD trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26% và nhập khẩu đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27%. Hiện, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, ngược lại Australia là đối tác lớn thứ 10 của Việt Nam.

 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có xu hướng đi lên rõ rệt, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Ông Vũ Huy Phúc, Phó trưởng bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 845 triệu USD, tăng 19% so với năm 2021.

Giai đoạn 2009 – 2022, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9%/năm, trong đó các sản phẩm thủy sản, rau quả ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất; còn hạt điều, tiêu, cà phê, gỗ lại giảm nhẹ trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam từ Australia năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 32,6%/năm trong giai đoạn 2009 - 2022.

Việt Nam ưa chuộng nhập khẩu các mặt hàng lúa mì, bông của Australia, kim ngạch ghi nhận tăng đột biến trong giai đoạn xung đột Nga – Ukraine diễn ra.

 

Trong trao đổi thương mại với Australia, ông Vũ Huy Phúc lưu ý đây là thị trường có độ cạnh tranh cao, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU.

Các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định về chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh...

“Thông thường, hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hoá thông thường dưới 200 AUD. Thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia. Thuế nhập khẩu được tính dựa trên phần trăm giá hàng hoá. Thuế nhập khẩu vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%”, ông Vũ Huy Phúc chia sẻ.

Đối với một thị trường tiềm năng nhưng “khó tính” như Australia, ông Vũ Huy Phúc cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến theo quy định. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản để có thể đi sâu hơn vào thị trường này.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định Việt Nam và Australia đều có thuận lợi về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy và đường hàng không, tạo điều kiện cho giao thương hai chiều.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này giúp xóa giảm đáng kể các rào cản với thương mại nông sản hai chiều Australia và Việt Nam

Tuy nhiên, bà Nguyễn Anh Thu cũng chỉ ra thực tế rằng nhu cầu của thị trường Australia còn thấp với nông sản của Việt Nam, có thể một phần do vấn đề thị hiếu.

Còn về mặt chủ quan, chất lượng của nông sản Việt Nam chưa thật sự cao và chưa đáp ứng được yêu cầu và quy định nhập khẩu của Australia, giá trị thương hiệu chưa cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự hiểu biết về các cam kết của các FTAs, trong khi đó phải chúng ta phải vạnh tranh gay gắt với các đối tác thương mại khác của Australia như Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Thái Lan…

Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia, bà Nguyễn Anh Thu cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các FTAs và lợi ích ngoài thuế quan của các FTAs. Đồng thời, thông tin rộng rãi về thị trường Australia, việc này không chỉ hướng đến các nhà xuất khẩu và chế biến nông sản, mà cần hướng tới cả nông dân.

Còn các doanh nghiệp cần chú ý hơn đến các sản phẩm nông sản đông lạnh và nghiên cứu để xuất khẩu các sản phẩm trái cây đông lạnh vì đây là những sản phẩm không bị ràng buộc bởi giấy phép xuất khẩu...

Hoàng Anh