'Việc xuất khẩu thuỷ sản giảm sâu đã nằm trong dự báo, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất sốc'
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), ước xuất khẩu thuỷ sản trong quý I sẽ đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn giảm sâu 30 - 40%.
Theo đó,Tính đến hết quý I, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại sáng ngày 31/3, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư Ký VASEP cho biết lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ - thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, đã tác động lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp.
Cuộc khủng hoảng này làm cho ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với các nhà nhập khẩu và họ không đủ khả đủ tiền để nhập những đơn hàng lớn. Tác động này còn lan sang cả Canada và EU.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng. Năm ngoái các nhà nhập khẩu mua hàng nhiều bởi lo sợ có thể xảy ra những đợt đứt gãy nguồn cung lần nữa. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lạm phát khiến hàng tồn kho tăng lên.
Do đó, thời điểm này các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng, giảm giá để xả kho, chuẩn bị cho các đợt hàng mới. Điều này khiến giá thuỷ sản nhập khẩu giảm sút.
Bà Tường Lan nói thêm con số kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản kỷ lục 11 tỷ năm vừa rồi còn một phần là do giá thành logistics quá cao. Tình hình khó khăn hiện tại có thể kéo dài đến ít nhất mùa hè năm nay.
Lực cầu yếu trong khi cạnh tranh ở trên thị trường khốc liệt. Tôm là sản phẩm có giá trị lớn nhất khi năm ngoái với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD thì năm nay với sự trỗi dậy của Ecuador và Ấn Độ, tôm đông lạnh của hai quốc gia này đã chiếm phần lớn thị phần tại Mỹ. Trong khi đó, đây lại thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của VN.
Còn ở Trung Quốc, tôm Ecuador đã chiếm tới 60% thị phần tôm đông lạnh, Ấn Độ chiếm khoảng 20%. Ấn Độ đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại và điều này tạo áp lực rất lớn đối với mặt hàng tôm.
Đối với sản phẩm cá tra, đây là sản phẩm được xem là ít cạnh có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ, giá cá tuyết và cá minh thái giảm sâu xuống mức thấp nhất lịch sử và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với cá tra Việt Nam. Đặc biệt là tại Trung Quốc các loại này ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam.
“Việc giảm không nằm ngoài dự báo của chúng tôi năm vừa rồi nhưng các doanh nghiệp vẫn rất sốc. Cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đang rất khó khăn trước tình hình hiện nay. Thậm chí có doanh nghiệp vẫn chưa ký đơn hàng cho các tháng quý II”, bà Lan chia sẻ.
Theo VASEP xu hướng trong nửa đầu năm nay tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau COVID-19.
Xuất khẩu các loài cá biển tiếp tục tăng, trong đó có đóng góp ngày càng lớn của hàng gia công. Tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á. Do vậy, xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tăng.
Trước tình hình hiện tại, bà cho rằng ngành thuỷ sản Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng. Bởi, thời điểm hiện tại, một số nước tuy có thế mạnh về nuôi trồng, sản lượng lớn và giá rẻ nhưng họ trình độ chế biến của các nước này chưa cao.