|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản chính ngạch để hóa giải lời nguyền ùn ứ cửa khẩu

20:43 | 04/03/2022
Chia sẻ
Nhiều năm nay, chuyện ùn ứ nông sản ở cửa khẩu liên tục tái diễn, đặc biệt là trước và sau Tết. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc chuyển đổi hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là giải pháp căn cơ, hóa giải lời nguyền này.

Nông nghiệp mù mờ, ùn ứ cửa khẩu đến hẹn lại lên

Tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?", bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện cả nước chỉ có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Từ ngày 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn, các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

Đến sáng ngày 4/3, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.

"Chúng tôi dự kiến ngày 15/3 - 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ", bà Hà nói.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch để hóa giải lời nguyền ùn ứ cửa khẩu - Ảnh 1.

Cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đang tồn đọng hơn 1.400 xe nông sản, chờ xuất khẩu. (Ảnh: Zing)

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng ùn ứ cửa khẩu. Tình trạng này cứ đến hẹn lại lên, đặc biệt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

"Đến khi xảy ra câu chuyện, chúng ta lại nháo nhào tìm nguyên nhân và đặt ra câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn mà không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân?

Sao không tăng chế biến mà lại xuất khẩu thô; sao không chuẩn hóa chất lượng tìm kiếm thị trường chính ngạch; sao không đầu tư phát triển logistics?", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói.

Đó là những câu hỏi Việt Nam từng đặt ra ở 3-5 năm trước. Sau khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại bị lãng quên đi mà không kiên trì tìm các giải pháp.

Theo Bộ trưởng, vấn đề then chốt của chuyện ùn ứ cửa khẩu nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

"Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước", ông Hoan nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

"Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi thì doanh nghiệp trở tay không kịp bởi chưa có tầm nhìn chiến lược.

Hiện, thị trường nước bạn không còn dễ tính nữa, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều", ông Bình nói.

Xuất khẩu chính ngạch để hóa giải lời nguyền

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đưa ra nhiều giải pháp để hóa giải lời nguyền ùn ứ cửa khẩu trong nhiều năm nay.

Từ thực tiễn cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch đang chiếm đến 90%, tỷ lệ chính ngạch chỉ có 10%, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu tiếp xúc với các đầu mối trung gian nên xuất khẩu chủ yếu không có hợp đồng.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới... điều đó tác động đến thương mại song phương.

"Chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây được cho là giải pháp căn cơ", ông Chinh cho biết.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch để hóa giải lời nguyền ùn ứ cửa khẩu - Ảnh 2.

Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, nông dân. (Ảnh: Tiền Phong)

Còn về phía địa phương, bà Đoàn Thu Hà cho biết trước mắt tỉnh Lạng Sơn đã thiết lập "vùng xanh, luồng xanh" để kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Bên cạnh đó, tỉnh liên tục trao đổi với chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất, phương án giao nhận hàng hóa phù hợp, rút ngắn thời gian thông quan, với việc thí điểm hợp tác công nhận một lần kết quả xét nghiệm, khử khuẩn đối với người, phương tiện vận tải.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thiết lập "vùng xanh, luồng xanh" là giải pháp ngắn hạn khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Còn nhìn nhận thẳng thắn, nền nông nghiệp của Việt Nam đang "mù mờ" cả đầu cung và cầu, mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc…

Do đó, ngành cần xây dựng cổng thông tin để các trung tâm, nhà phân phối kể cả trong nước, nước ngoài nhìn vào bảng đó, giống như bảng của thị trường chứng khoán.

Thông số phải minh bạch, tích hợp từ các địa phương. Có thời điểm rõ ràng cụ thể để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhìn vào đó mà chuẩn bị, ước lượng mình có thể tham gia vào thị trường này ở phân khúc nào, sản lượng là bao nhiêu để chủ động kết nối ngay từ đầu mùa vụ.

"Tất cả những con số mở ra giống như là dự báo thời tiết, tôi mong đó như dự báo thời tiết, sáng nào chúng ta cũng có rồi sau đó để chúng ta dẫn dắt thị trường, nếu có rủi ro thị trường thì chủ động xử lý" ông Hoan nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hệ thống logistics cũng là yếu tố giúp giảm tải cho cửa khẩu. Hiện, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng xây dựng trung tâm kết nối nông sản tại cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.

"Sau Quảng Ninh, chúng tôi sẽ kiến nghị làm ở Lạng Sơn. Hàng hóa trước khi xuất khẩu sẽ được kiểm dịch sau đó xe hàng có thể đi thẳng qua nước bạn. Nếu có trường hợp ùn ứ thì đó cũng là nơi chế biến, đóng gói tạm trữ một thời gian", ông Hoan nói.

Hoàng Anh