Cửa khẩu tắc vẫn hoàn tắc, doanh nghiệp 'bó tay' vì đầu ra phụ thuộc vào Trung Quốc
Cửa khẩu tắc vẫn hoàn tắc
Mới đây, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng trái cây tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 đến hết ngày 25/2, theo báo Nhân Dân.
Nguyên nhân là những ngày qua, xe chở hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là trái cây tươi lên các cửa khẩu của tỉnh liên tục tăng, nguy cơ xảy ra tình trạng ùn ứ như trước Tết.
Tính đến 8 giờ, ngày 13/2, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại ba khu vực cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma lên tới 1.815 xe. Năng lực thông quan xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt 41 xe/ngày.
Từ sáng 12/2 đến sáng 13/2 đã có 13 xe trái cây quay đầu về nội địa. Trong khi đó, số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên là 96 xe trái cây.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thời điểm này, Trung Quốc vẫn siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Trước mắt, các địa phương cần lên phương án tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây tươi tại thị trường trong nước và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
Đồng thời, cần rà soát, quy hoạch từng loại trái cây cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tính toán các phương án rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn, gây áp lực tiêu thụ, dẫn đến tình trạng hàng tồn, giá rẻ.
Về lâu dài, Bộ sẽ hội đàm với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu.
Doanh nghiệp "bó tay" vì đầu ra phụ thuộc vào Trung Quốc
Dù biết tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chuyển hàng lên cửa khẩu vì chưa tìm ra hướng tiêu thụ khác hiệu quả hơn.
Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết đối với mặt hàng thanh long, dù mở rộng thị trường nội địa thì số lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Trong khi, các thị trường khác như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... cũng chiếm lượng nhỏ, chủ yếu xuất đi từ các công ty lớn.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển nhưng cước vận chuyển đường biển sang Trung Quốc hiện rất cao, khoảng 5.000 USD/container, gấp 5-6 lần so với trước đây. Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi phương thức này.
Ông Huỳnh Cảnh cũng cho biết thêm, hiện tỉnh cũng chưa tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất để tiêu thụ thanh long cho bà con khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì thị trường này tiêu thụ tới 80% sản lượng thanh long hằng năm của tỉnh. Hiện, giá thanh long trên địa bàn hiện đang giảm rất sâu, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đang vấp phải nhiều rào cản.
Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của phía hải quan Trung Quốc. Mặt khác nhiều doanh nghiệp cũng còn tâm lý ngại chuyển đổi khi đang có sẵn mối xuất hàng tiểu ngạch.
Ngoài ra, cũng có tình trạng đối tác phía Trung Quốc chủ động chọn hình thức nhập khẩu tiểu ngạch để duy trì mức giá rẻ. Ông Trịnh cảnh báo nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động tìm cách chuyển đổi hình thức xuất khẩu thì sẽ còn gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc.