|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ 8 tháng đạt 8,3 tỷ USD, mới hoàn thành gần 50% mục tiêu cả năm

07:29 | 08/09/2023
Chia sẻ
Kết thúc 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,3 tỷ USD và mới hoàn thành được gần 50% mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD của cả năm 2023.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 7 và giảm 23% so với tháng 8/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 742 triệu USD, đi ngang so với tháng 7 và giảm 17% so với tháng 8/2022.

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. 

Kết thúc 8 tháng đầu năm, ngành gỗ mới hoàn thành được  gần 50% mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD của cả năm 2023.

 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định ngành gỗ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU...

Do vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

7 tháng đầu năm nay, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỷ USD, giảm 32% do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu, khiến khối lượng đơn đặt hàng đồ nội thất bằng gỗ giảm đáng kể.

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, một số mặt hàng khác cũng giảm nhanh như dăm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022; gỗ ván và ván sàn đạt 956 triệu USD, giảm 24%; viên gỗ nén đạt 380 triệu USD, giảm 8%; cửa gỗ đạt 24 triệu USD, giảm 27%...

Hoàng Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.