|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chạy đua với Net Zero, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm nhập khẩu than, tăng mua viên nén và dăm gỗ của Việt Nam

14:57 | 02/09/2023
Chia sẻ
Các Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu than và tăng mua nhiên liệu sinh khối của Việt Nam (viên nén, dăm gỗ) chủ yếu do tiến trình đưa phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26.

Cùng với Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã cam kết trở thành quốc gia không khí thải carbon vào năm 2050, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau COP26, hai quốc gia này đã có những động thái cụ thể, ví dụ như việc giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, tăng mua nguyên liệu sinh khối cho sản xuất năng lượng sạch.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than trong tháng 7 đạt 55.732 tấn, tương đương 15 triệu USD, giảm 63% về lượng và giảm 72% so với tháng 6. So với tháng 7/2022, xuất khẩu than tháng này giảm 60% về lượng và giảm 13% về giá trị.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 262.984 tấn, tương đương 95 triệu USD, giảm 63% về lượng và giảm 63% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 (Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan)

Theo đó 7 tháng đầu năm, Nhật Bản nhập của nước ta 148.162 tấn, tương đương 48 triệu USD, giảm 65% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy tỷ trọng xuất khẩu than sang Nhật Bản vẫn chiếm phần lớn, tức 56% về lượng và 51% về giá trị xuất khẩu than 7 tháng đầu năm.

Tương tự, xuất khẩu than sang Hàn Quốc cũng giảm hơn 86% cả về lượng và giá trị so với 7 tháng đầu năm 2022, chỉ còn 11.287 tấn và 4 triệu USD.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan) 

Để bù đắp cho phần thiếu hụt của nhiên liệu hóa thạch nói trên, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng mua nhiên liệu sinh khối của Việt Nam (viên nén, dăm gỗ).

Báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang hai thị trường này lại có diễn biến trái ngược trong 6 tháng đầu năm 2023.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Viforest, Forest Trends)  

Cụ thể nửa đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn viên nén của Việt Nam, tương đương hơn 195 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần viên nén Việt Nam chiếm khoảng 45% tổng lượng nhập khẩu viên nén của Nhật Bản, lớn hơn của thị phần 28% của Canada và 21% của Mỹ.

Trong khi đó, Hàn Quốc nhập khẩu 840.000 tấn viên nén, tương đương gần 116 triệu USD, giảm hơn 33% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là thị trường Hàn Quốc gia tăng nhập khẩu viên nén chất lượng cao, giá cạnh tranh hơn từ Nga.

Cũng theo báo cáo, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nằm trong top 4 thị trường tiêu thụ nhiều dăm gỗ nhất của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ sang Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023 đạt 316,5 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 39% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường này.

Xuất khẩu dăm gỗ sang Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo tương đối ổn định trong thời gian tới.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Viforest, Forest Trends)   

Các chuyên gia cho rằng khi cả thế giới chuyển dịch sang sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu sinh học, viên nén, dăm gỗ sẽ là một sự lựa chọn hàng đầu. Và Việt Nam càng có nhiều cơ hội khi có lợi thế trong mảng gỗ và chế biến gỗ.

Tại Hội nghị ngành hàng viên nén gỗ, ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết tổng cầu viên nén trên thế giới sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD tới năm 2030. Trong đó, nhu cầu tại Nhật Bản -  thị trường xuất khẩu viên nén của Việt Nam dự kiến tăng gấp 3 lần so với hiện tại.

Hiện, một số công ty Mỹ chuyển hướng xuất khẩu viên nén từ EU sang Nhật Bản do phía đối tác Nhật Bản trả giá ưu đãi (premium) đối với các hợp đồng có mức giá cố định (fix) đối với các hợp đồng dài hạn. Là nhà cung cấp viên nén lớn cho Nhật Bản, Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Cơ hội càng nhiều, thách thức với doanh nghiệp càng lớn. Ông Nguyễn Ba Duy, Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ cho biết EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, sự ổn định nguồn hàng... trong khi tiềm lực của doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đủ đáp ứng những hợp đồng dài hạn 10-15 năm.

Để gia tăng sức cạnh tranh cho ngành viên nén, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư lớn về máy móc, nguyên liệu... đặc biệt trong những tình huống bất ngờ như khủng hoảng năng lượng năm 2022 vẫn phải đảm bảo cung cấp hàng hóa ổn định, chi phí cố định. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể giữ uy tín và cạnh tranh với các đối thủ khác.

Phạm Mơ