|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu than trong tháng 9 tăng mạnh

07:52 | 20/10/2023
Chia sẻ
Sau hai tháng trầm lắng, xuất khẩu than trong tháng 9 bật tăng với 122.271 tấn, tương đương 39 triệu USD, gấp 2,2 lần về lượng và giá trị so với tháng 8.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than trong tháng 9 đạt 122.271 tấn, tương đương 39 triệu USD, tăng 125% về lượng và tăng 120% về giá trị so với tháng 8. So với tháng 9/2022, xuất khẩu than tháng này tăng 10% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị.

Trước đó, xuất khẩu than khá trầm lắng, đặc biệt vào 4 tháng đầu năm, bình quân lượng hàng bán ra chưa đến 1.000 tấn/tháng. Đồng thời 9 tháng năm 2023, chỉ có tháng 6 và tháng 9 ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu than đạt 437.108 tấn, tương đương 150 triệu USD, giảm 55% về cả lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong tháng 9, giá than xuất khẩu đạt 321 USD/tấn, không biến động nhiều so với tháng trước, song giảm 15% so với tháng 9/2022. Bình quân 9 tháng năm 2023, giá than xuất khẩu ở mức gần 350 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

(Nguồn: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Xuất khẩu sang Nhật Bản, nhà tiêu thụ than lớn nhất của Việt Nam ghi nhận giảm sâu. Theo đó 9 tháng năm nay, Nhật Bản nhập 245.435 tấn, tương đương 81 triệu USD, giảm 56% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy tỷ trọng xuất khẩu than sang Nhật Bản vẫn chiếm phần lớn, tức 56% về lượng và 54% về giá trị xuất khẩu than 9 tháng năm 2023.

Nhật Bản giảm mua than Việt Nam trong bối cảnh nước này đã cam kết trở thành quốc gia không khí thải carbon vào năm 2050. Thay vì mua than, Nhật Bản chuyển sang nhập khẩu các loại nhiên liệu sinh khối của Việt Nam như viên nén, dăm gỗ.

Báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam và Tổ chức Forest Trends cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết tổng cầu viên nén trên thế giới sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD tới năm 2030. Trong đó, nhu cầu tại Nhật Bản - thị trường xuất khẩu viên nén của Việt Nam dự kiến tăng gấp 3 lần so với hiện tại.

Một số công ty Mỹ chuyển hướng xuất khẩu viên nén từ EU sang Nhật Bản do phía đối tác Nhật Bản trả giá ưu đãi (premium) đối với các hợp đồng có mức giá cố định (fix) đối với các hợp đồng dài hạn. Là nhà cung cấp viên nén lớn cho Nhật Bản, Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.