|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực

07:54 | 16/02/2017
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo của VN năm nay dự báo tiếp tục khó khăn do nhu cầu hạn chế và cạnh tranh gay gắt từ các nước.
xuat khau gao viet them ap luc
Thay đổi tư duy sản xuất gạo nặng về chất lượng là yêu cầu để phát triển ngành lúa gạo ẢNH: CÔNG HÂN

Thái Lan xả gạo tồn kho

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) về thị trường gạo thế giới năm 2017, nguồn cung dồi dào do sản lượng tăng kỷ lục, vượt ngưỡng 120 triệu tấn. Trong khi đó nhu cầu yếu, nhiều thị trường nhập gạo truyền thống như: Philippines, Indonesia… không cần hoặc giảm nhập khẩu, các thị trường châu Phi chỉ tăng nhẹ. Chính vì vậy mà xu hướng giá tiếp tục suy yếu do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung.

Một trong những áp lực chính của lúa gạo VN là Thái Lan. Nước này đặt mục tiêu bán hết 8 triệu tấn gạo tồn kho trong nửa đầu năm 2017. Trong số này, có 3 triệu tấn với nhiều loại chất lượng khác nhau có thể dùng làm lương thực cho người (5 triệu tấn đã quá hạn sử dụng cho người).

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty xuất khẩu Trung An (Cần Thơ), không bi quan trước thông tin này. “Gạo của họ là gạo tồn kho còn chúng ta là gạo mới. Họ muốn bán nhưng vấn đề sẽ là bán được cho ai? Chúng tôi vẫn xuất khẩu đều đều. Sản phẩm chất lượng cao hay gạo thường tùy theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên những năm gần đây Trung An xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm chất lượng cao mỗi năm lên đến 50.000 tấn gạo, tiêu thụ rất tốt", ông nói.

Một cách thận trọng hơn, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, nhận định: 3 triệu tấn gạo của Thái Lan cũng tạo thêm áp lực cho thị trường chung, tác động đến thị trường lúa gạo VN. Tuy nhiên áp lực này không quá lớn vì hiện nay nguồn cung đang dồi dào, họ có muốn bán cũng không phải dễ.

Nhưng Trung quốc mới đáng sợ

Lúa đông xuân sớm đang thu hoạch hiện nay tập trung nhiều ở các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Giá lúa tươi, loại thường, hiện được thương lái thu mua 4.500 - 4.700 đồng/kg; tăng khoảng 200 đồng/kg so với trước tết.

Tuy nhiên, nhiều nông dân lại chẳng vui do năng suất năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15 - 20%. Lý do mấy năm gần đây ĐBSCL không có lũ làm cho đất đai bạc màu, dẫn đến giảm năng suất. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết bất thường, mưa kết thúc muộn.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ), cho hay từ sau tết đến nay giá lúa có tăng nhẹ 200 - 300 đồng/kg so với trước tết âm lịch.

Cụ thể giá lúa thường 4.600 đồng/kg, hạt dài 4.700 đồng/kg, Jasmine 5.300 - 5.400 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước tăng 300 - 400 đồng/kg.

“Giá lúa tăng là do thương lái Trung Quốc (TQ) sang thu mua, làm cho thị trường ấm lên. Bây giờ chưa vô chính vụ nên cũng chưa nói trước được điều gì. Hợp đồng thương mại cũng chưa có nhiều, chỉ lẻ tẻ vài chục tấn”, ông Khải không khỏi lo lắng. Không riêng gì Cờ Đỏ mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

"Định hướng sản xuất gạo phải theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi cây trồng để giảm sản lượng lúa gạo dư thừa chất lượng thấp Xuất khẩu gạo Việt thêm áp lực".

Hiệp hội Lương thực VN (VFA)

Thực tế trong nhiều năm gần đây, TQ là thị trường quan trọng cho ngành xuất khẩu gạo của VN. Chỉ riêng năm 2016, TQ đứng vị trí số 1 với 36% thị phần nhập khẩu. Yếu tố TQ được dự báo sẽ tiếp tục chi phối thị trường lúa gạo VN trong năm nay.

Chính vì vậy mỗi sự thay đổi của thị trường này cũng đủ làm cho thị trường lúa gạo VN nóng - lạnh theo. Khó khăn của ngành lúa gạo năm nay được dự báo còn lớn hơn khi thị trường này không còn dễ tính như trước.

“Trước đây, thị trường TQ được xem là dễ tính nhưng bây giờ họ cũng bắt đầu “khó tính”, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng”, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, nhận định.

Theo các doanh nghiệp (DN), áp lực với xuất khẩu gạo của VN hiện nay không phải từ Thái Lan mà chính là từ TQ. TQ là nước sản xuất, tiêu dùng và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hiện tồn kho của TQ được dự báo lên đến 69 triệu tấn trong năm 2016/2017, cao nhất từ trước tới nay. Con số này tương đương 60% dự trữ toàn cầu.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành này cho biết: “Con số thống kê chỉ mới cho biết một nửa số gạo VN xuất sang TQ, một nửa còn lại qua đường tiểu ngạch. Từ nửa cuối năm ngoái khi mà lượng lúa gạo tồn kho của TQ bắt đầu vượt ngưỡng và thương mại thế giới trầm lắng thì họ bắt đầu trở nên “khó tính”, quan tâm đến chất lượng.

Đó chỉ là những biện pháp mang tính “kỹ thuật” của họ, chứ hiện nay thị trường đó còn đa dạng lắm và sản lượng nhập khẩu từ VN chủ yếu giải quyết nhu cầu của người dân dọc biên giới. Nhưng chính các biện pháp kỹ thuật đó, VN nên cẩn trọng trong cách làm ăn về lâu dài với TQ. Đã đến lúc VN nên điều chỉnh chỉ tiêu về số lượng sang chất lượng, giá trị”.

Nâng cao chất lượng

Trong khi xuất khẩu lúa gạo nói chung gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao thậm chí là nếp vẫn phát triển tốt. Cụ thể như nếp năm 2015 là 519.000 tấn thì năm 2016 đạt trên 1 triệu tấn; tăng hơn 96% và chiếm tỷ trọng gần 21% so với 8% năm 2015. Gạo Japonica tăng gần 137%, chiếm tỷ trọng 3,2%...

Trước những thực tế trên, VFA kiến nghị: “Định hướng sản xuất gạo phải theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi cây trồng để giảm sản lượng lúa gạo dư thừa chất lượng thấp. Ban hành quy chuẩn thực hành canh tác theo chuẩn GAP để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhanh chóng có giải pháp khả thi loại trừ dư lượng hóa chất còn tồn trong gạo. Đầu tư phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế tại Cần Thơ để tạo điều kiện cho DN kiểm tra chất lượng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đưa ra nước ngoài kiểm tra.

Bên cạnh đó, điều chỉnh chính sách thuế VAT gạo tiêu thụ nội địa về mức 0% để các DN cạnh tranh bình đẳng, xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường nội địa”.

Chí Nhân