Xuất khẩu gạo năm 2017: Nhiều tin mừng ngay từ đầu năm
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2016 chỉ thu về được gần 2,2 tỷ USD, giảm tới 22% so với năm ngoái. Không những vậy, lượng gạo xuất khẩu cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi chỉ đạt 4,8 triệu tấn. Kết quả là, ngành gạo rớt khỏi top 3 nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam.
Bộ Công thương dự báo, hoạt động thương mại gạo trong năm 2017 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu tăng cao tại các trường châu Á và Trung Đông. Trong đó, vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu vẫn là Ấn Độ. Xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ phục hồi và xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được dự báo tăng nhưng cũng khó có thể đạt được mức của những năm trước.
Xuất khẩu gạo của một số nước xuất khẩu chính năm 2017 - Đơn vị triệu tấn (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Đầu năm đã có hợp đồng mới
Theo Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính, đầu năm 2017, ngành gạo đón tin mừng khi Philippines đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam, nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Trong đó, Thái Lan đã trúng thầu 41.464 tấn gạo và Việt Nam trúng thầu 11.580 tấn. Trong vài tuần tới, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu cho giới thương lái để nhập thêm gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ.
Mới đây, vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines.
Bản thỏa thuận là cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines - nước chủ yếu nhập khẩu gạo thông qua hình thức đấu thầu Chính phủ (G - G).
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng cho hay, chỉ các nước đã ký Bản Thỏa thuận thương mại gạo cấp Chính phủ với Philippines mới được tham gia các cuộc đấu thầu cung cấp gạo cho thị trường này. Đây sẽ là điều kiện hỗ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam tham gia vào các đợt đấu thầu gạo cấp Chính phủ sắp tới tại Philippines.
Nhiều năm qua, Philippines luôn là một trong những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Giai đoạn 2010 – 2015, Philippines nhập khẩu từ 500.000 - 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm17 - 20 % tổng lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Ngành gạo năm 2017 có những tín hiệu khởi sắc khi những hợp đồng được ký tiếp, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều khu vực tăng lên (Nguồn: Nhịp cầu đầu tư) |
Doanh nghiệp được cởi trói
Năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cũng đón nhận tín hiệu đáng mừng đầu tiên khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ quy hoạch Thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quyết định số 6139 năm 2013 như khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo... đã chính thức được bãi bỏ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp một số khó khăn. Việc bãi bỏ điều kiện xuất khẩu gạo rất phù hợp với xu thế chung góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước sáng tạo, tự chủ cao hơn để đối mặt với thị trường xuất khẩu lớn.
Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ nhằm sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tiếp thu và mở rộng những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và đặc biệt là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Dự thảo mới sẽ tập trung điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn khi thị trường do người mua quyết định và tình trạng mất cân đối cung - cầu.
Bộ trưởng nói: “Những khó khăn này, bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới”.
Dưới góc nhìn của chuyên gia nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, bỏ quy hoạch chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Mục đích khi Công Thương “cởi trói” cho doanh nghiệp, mở rộng cửa cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra sự canh tranh lành mạnh trong xuất khẩu. Tuy nhiên, những vấn đề về chất lượng gạo, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thực sự được giải quyết.
GS Xuân cho rằng, cần tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể là, hướng vào mặt hàng gạo chất lượng cao, giá trị cao với số lượng không nhiều thì cần tạo điều kiện khuyến khích xuất khẩu cũng như không áp dụng những điều kiện quá sức về kho chứa, nhà máy.
Theo GS Xuân: “Mỗi năm, Campuchia chỉ xuất khẩu khoảng 800 - 900 tấn gạo thơm đặc sản. Tuy số lượng không nhiều nhưng nước này có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhìn nước bạn, Việt Nam cũng cần có những chính sách cho doanh nghiệp xuất khẩu những loại gạo đặc sản”.
Cơ hội từ hiệp định thương mại
Năm 2017, ngành gạo đang đứng trước những cơ hội lớn khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại với ưu đãi lớn về thuế.
Theo Cục chế biến và xuất khẩu thủy sản, cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu gạo sang các quốc gia thuộc khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) là rất lớn khi FTA Việt Nam – EAEU chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016. Cụ thể, các thành viên EAEU sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau khi xuất khẩu đủ lượng này, sản phẩm gạo xuất khẩu sẽ chịu mức thuế 11,7% và VAT 10% - thấp hơn đáng kể so với con số 40% hiện nay.
Vào giữa tháng12/2016, Bộ Công Thương cũng đã có điều chỉnh áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 và 2017 với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% đối với hai nhóm có xuất xứ từ Campuchia, trong đó có mặt hàng gạo.
Điều chỉnh này dựa theo bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam – Campuchia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.