|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc giảm: Hệ quả chính trị?

09:08 | 28/08/2018
Chia sẻ
Một trong những tác dụng phụ của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ sang nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới giờ đây được soi xét qua lăng kính chính trị.
xuat khau dau cua my sang trung quoc giam he qua chinh tri Nhập khẩu dầu của châu Á giảm vì tăng trưởng kinh tế chậm lại
xuat khau dau cua my sang trung quoc giam he qua chinh tri Xuất khẩu dầu kỷ lục của Mỹ đang 'cuỗm' đi thị phần tại châu Á của Nga, OPEC
xuat khau dau cua my sang trung quoc giam he qua chinh tri
Giàn khoan dầu ở ngoài khơi bang Louisiana, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một trong những tác dụng phụ của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ sang nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới giờ đây được soi xét qua lăng kính chính trị.

Tuy nhiên, trên thực tế những người mua bán dầu thường dễ chịu sự chi phối hơn của lợi nhuận và khả năng mua được đúng loại dầu để tối đa hóa năng suất của các nhà máy. Tất nhiên là họ không thể lờ đi yếu tố chính trị, đặc biệt là đối với các công ty quốc doanh lớn của Trung Quốc, nhưng hoạt động giao dịch dầu giữa Mỹ và Trung Quốc cũng cần được xem xét ở góc độ kinh tế.

Lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ có vẻ sẽ giảm mạnh trong tháng Chín, khi số liệu của Thomson Reuters cho thấy chỉ có khoảng 6,12 triệu thùng, hay 204.000 thùng/ngày (bpd), dự kiến sẽ được cập cảng Trung Quốc, giảm so với con số khoảng 363.000 bpd trong tháng Tám, và còn có thể là mức thấp nhất theo tháng kể từ tháng Ba năm nay.

Sự sụt giảm trong lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm mà hai bên công bố các mức thuế “ăn miếng trả miếng” và có đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ đưa dầu vào danh sách các sản phẩm của Mỹ bị đánh thuế nhập khẩu, khiến các công ty lọc dầu Trung Quốc thận trọng với việc mua dầu từ Mỹ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc định giá các loại dầu khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân vì sao Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu Mỹ trong tháng Tám, nhưng có vẻ giảm xuống trong tháng Chín, và có thể là cả tháng Mười.

Các công ty nhập khẩu dầu của Trung Quốc thích mua dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ trong các hợp đồng kỳ hạn giao tháng Tám, vì lượng hàng theo hợp đồng này sẽ được sắp xếp vào cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu. Trong khi đó, tính trong phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu WTI thấp hơn dầu Brent Biển Bắc đến 11,39 USD/thùng, có nghĩa là các công ty lọc dầu Trung Quốc có thể mua dầu WTI với giá rẻ hơn nhiều so với dầu Brent trên thị trường kỳ hạn.

Bên cạnh đó, dầu Bonny Light của Nigeria, một loại dầu thô tương tự như dầu Brent, được giao dịch ở mức 81,17 USD/thùng vào ngày 22/5, trong khi dầu WTI giao tại cảng Magellan East Houston lại ở mức 76,40 USD/thùng, thấp hơn 4,77 USD/thùng, đủ để bù đắp chi phí vận chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc cao hơn so với từ bờ Tây châu Phi.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà lượng hàng theo các hợp đồng dầu giao tháng Chín được chuẩn bị thì các mức giá này đã diễn biến theo một hướng khác, khi dầu Bonny Light được giao dịch ở mức 73,52 USD/thùng vào ngày 25/6, thấp hơn 1,47 USD/thùng so với dầu WTI giao tại Houston. Điều này sẽ khiến việc mua dầu thô của Tây Phi hấp dẫn hơn so với dầu Mỹ.

Dù tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ đến mức mà dầu của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh, nhưng cũng cần phải nhìn vào khía cạnh giá cả, chứ không chỉ chính trị, để đánh giá khả năng tăng hay giảm trong hoạt động giao dịch dầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

Xem thêm

Khánh Ly