Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nỗi lo kinh tế càng thêm chồng chất
Báo cáo do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 7/9 cho thấy xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Kết quả này không xoa dịu được tình hình kinh tế bất ổn mà còn đè nặng lên triển vọng thương mại toàn cầu.
Cỗ máy xuất khẩu vẫn trục trặc
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8,8% so với cùng kỳ vào tháng 8. Trước đó, vào tháng 7, xuất khẩu sụt 14,5%, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8, bao gồm linh kiện trung gian, nguyên liệu thô và sản phẩm tiêu dùng, tụt khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà giảm đã thu hẹp so với mức -12,4% của tháng 7.
Trung Quốc đang phải chật vật để duy trì nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế đối với hàng hoá do nước này sản xuất.
Người dân nhiều nước phương Tây đang quay trở lại chi tiêu cho dịch vụ, hạn chế mua sắm điện thoại, đồ nội thất và quần áo. Lãi suất tăng cao tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhập khẩu tiếp tục giảm cho thấy nhu cầu của bản thân người dân Trung Quốc đang rất yếu, dù chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã nới lỏng các hạn chế COVID được 8 tháng.
Đà lao dốc của thị trường bất động sản cũng làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô dùng trong lĩnh vực xây dựng.
Nhìn chung, dữ liệu thương mại mới nhất đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn để phục hồi nhu cầu trong nước.
Điều này sẽ tác động trở lại nền kinh tế toàn cầu, bởi sự suy yếu của Trung Quốc sẽ đè nặng lên giá dầu và gây tổn hại cho các nước xuất khẩu hàng hoá công nghiệp như Australia, Brazil và Canada, Wall Street Journal nhận xét.
Hiện tại, các nhà sản xuất Trung Quốc đang chịu áp lực phải giảm giá để giữ thị phần, có nguy cơ gây ra làn sóng giảm phát trên toàn cầu.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã hạ lãi suất và thực hiện một số biện pháp để khôi phục tâm lý người mua nhà, các chuyên gia kinh tế không tin rằng những động thái của Bắc Kinh đủ sức để vực dậy tăng trưởng.
Ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho hay: “Trung Quốc vẫn còn một ngọn đồi dốc cần phải leo trước khi nền kinh tế thực sự ổn định”.
Ngay cả khi dữ liệu thương mại tháng 8 không tồi tệ như lo ngại trước đó, các nhà kinh tế nhìn chung đều đồng ý rằng xuất khẩu khó có thể hỗ trợ cho cuộc phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi thương mại toàn cầu dự kiến sẽ thu hẹp trong năm 2023.
“Chúng tôi dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, sau đó chạm đáy vào cuối năm”, hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định.
Ngoài thương mại suy yếu, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với một loạt trở ngại kinh tế khác. Sau một thời gian chi tiêu cho du lịch và ăn uống, người dân Trung Quốc đã thắt chặt hầu bao trở lại, khiến giá tiêu dùng rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã đi xuống tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8. Đầu tư tư nhân vẫn sụt giảm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ vọt lên mức kỷ lục vào mùa hè, trước khi Bắc Kinh quyết định ngừng công bố dữ liệu ra công chúng.
Nhìn rộng hơn, loạt dữ liệu kém khả quan trong những tháng qua đã làm dấy lên lo ngại rằng quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc đang xấu đi. Nhiều ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của nước này xuống dưới 5%.
Gặp gỡ với các nhà lãnh đạo khu vực Đông Nam Á trong tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phản bác nhận định bi quan đó. Ông khẳng định Trung Quốc đang trên đà hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay là khoảng 5%.
Mô hình thương mại thay đổi
Theo Wall Street Journal, dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc còn chỉ ra những thay đổi về mô hình thương mại của nước này.
Khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên xấu đi, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và hướng tới các nước châu Á khác như Ấn Độ, khiến Mỹ ngày càng ít phụ thuộc vào hàng hoá từ Trung Quốc.
Những khó khăn trong khâu vận hành, được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong toả làm gián đoạn hoạt động sản xuất và logistics, đã thôi thúc nhiều công ty đa quốc gia hành động.
Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc chỉ chiếm 13,3% lượng hàng hoá nhập khẩu của Mỹ, giảm từ mức cao 21,6% trong năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Trong khi đó, giao dịch thương mại với các nước ASEAN đã tăng trong năm qua. ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua Mỹ và EU, theo một báo cáo gần đây của HSBC.
Mối quan hệ thương mại nồng ấm hơn giữa Trung Quốc và các nước châu Á sẽ giúp giảm bớt tác động khi xuất khẩu của Trung Quốc sang các nền kinh tế phát triển đi xuống.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ không thể bình an vô sự nếu Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác rơi vào suy thoái.
Theo ước tính của ông Adam Slater, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, thương mại hàng hoá toàn cầu dự kiến sẽ thu hẹp 1,5% trong năm nay, một phần do chính sách tiền tệ thắt chặt. Sang năm sau, thương mại sẽ phục hồi khiêm tốn, tăng trưởng 2,4%.