|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra có tạo ra bước nhảy vào quý III?

07:39 | 26/06/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia dự đoán xuất khẩu cá tra trong quý III sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, giá cá tra xuất khẩu vẫn là ẩn số bởi hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ việc thiếu container, chi phí logistics, lưu kho tăng cao.

Xuất khẩu cá tra tăng, người nuôi vẫn lỗ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lũy kế 5 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP nhận định xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc đang lấy lại đà phục hồi sau giai đoạn ảm đạm.

Theo Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng 200 - 500 đồng/kg so với tháng trước lên mức 21.500 - 21.700 đồng/kg cho cá size 800g - 1,1kg.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh 3.500 - 4.100 đồng/kg. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng với giá này, người chăn nuôi mới chỉ hòa vốn hoặc lỗ nhẹ.

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) phân tích thông thường người dân nuôi 7 - 8 tháng/lứa. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung trong nước dư thừa, tiêu thụ chậm, người nông dân phải tăng thời gian nuôi, cho cá ăn đói.

Đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 400 – 500 đồng/kg, đội giá thành sản xuất lên cao khiến người dân lỗ ít nhất 1.000 – 2.000 đồng/kg cá bán ra.

"Giá cá tra nguyên liệu phải tăng lên mức 24.000 đồng/kg thì người dân hòa vốn và tăng trên 25.000 đồng/kg người nuôi mới có lãi", ông Quốc cho biết.

Chuyên gia VINAPA cho biết giá cá tra nguyên liệu ở thời kỳ đỉnh cao năm 2018 từng có giá 34.500 – 36.000 đồng/kg. Doanh nghiệp, người nuôi trúng lớn nên đổ xô nuôi cá tra dẫn đến khủng hoảng dư cung, cá tra rớt giá thảm.

Vì vậy, năm 2020, ngành cá tra phải quy hoạch sản xuất, giảm xuất cầm chừng, sản lượng 20 – 25% so với năm 2018.

Xuất khẩu cá tra có tạo ra bước nhảy vào quý III? - Ảnh 1.

Xuất khẩu cá tra tăng nhưng người nuôi vẫn chưa có lãi (Ảnh: Báo Công Thương)

"Nhận định theo quy luật cung – cầu, xuất khẩu cá tra quý III chắc chắn tăng và không thiếu hụt nguồn cung bởi lượng sản xuất ổn định, hàng dự trữ của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn.

Doanh nghiệp cá tra nào cầm cự được đến năm 2022, xuất khẩu dự báo sẽ tăng trưởng, giá xuất khẩu tôt", ông Quốc nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này nhận định giá cá tra xuất khẩu vẫn là ẩn số, khó dự đoán bởi rất khó để thống kê lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp. 

Đồng thời, xuất khẩu thủy sản vẫn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố lưu thông cảng biển, thiếu container, chi phí logistics, lưu kho tăng cao.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết do tác động của COVID-19 nên 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng nhưng tốc độ không lớn.

Do đó, người chăn nuôi cũng linh hoạt giãn thời gian thả nuôi, cân đối nguồn cung, thức ăn chăn nuôi và giá nguyên liệu, giá xuất khẩu.

"Sau khi các quốc gia nhập khẩu lớn phủ sóng vắc xin, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng đáng kể. Nhờ đó, sản lượng và giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam được cải thiện.

Trong quý III, xuất khẩu cá tra sẽ giữ đà tăng trưởng, giá xuất khẩu cá tra nguyên liệu sẽ ổn định ở mức 21.000 – 23.000 đồng/kg (loại 0,7 - 0,8 kg/con)", ông Nam dự báo.

Không thể bỏ lỡ cơ hội từ EVFTA

Theo VASEP, xuất khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam vào EU sẽ được giảm thuế về 0% sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực.

Cụ thể, cá tra nguyên con đông lạnh (HS 030324) và cá tra tươi, ướp lạnh (HS 030272) đều được giảm từ mức thuế cơ bản 8% xuống 0%.

Sản phẩm cá tra philê tươi, ướp lạnh (HS 030432) giảm từ 9% xuống 0%. Cá tra phile đông lạnh (HS 030462) cũng được giảm từ 5,5% xuống còn 0%. Các sản phẩm cá tra chế biến (HS 1604) cũng được giảm thuế từ 14% xuống còn 0%.

Xuất khẩu cá tra có tạo ra bước nhảy vào quý III? - Ảnh 2.

Giá cá tra nguyên con được giảm từ mức thuế cơ bản 8% xuống 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực (Nguồn: VASEP)

Ông Nam nhận định EVFTA giúp cá tra Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng bản địa vốn và các đối thủ xuất khẩu cá tra khác.

Nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam kỳ vọng EVFTA sẽ có bước nhảy trong xuất khẩu sang khối thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên, ba năm liên tiếp, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

Xuất khẩu cá tra có tạo ra bước nhảy vào quý III? - Ảnh 3.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang EU giảm sâu trong giai đoạn 2018 - 5 tháng năm 2021 (Đơn vị: triệu USD) (Số liệu: VASEP, Biểu đồ: Phạm Mơ)

 Chuyên gia VASEP lý giải ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc nước Anh, thị trường tiềm năng của Việt Nam tách khỏi EU cũng làm giảm thị phần nhập khẩu cá tra của khối thị tường này.  

Bên cạnh các nguyên nhân VASEP đưa ra, ông Quốc cho biết EU từng là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam nhưng khi khối thị trường này bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế, lượng và giá trị xuất khẩu cá giảm mạnh.

Ngoài ra, trước những tác động của đối thủ xuất khẩu của Việt Nam, châu Âu tăng cường rào cản kỹ thuật, khiến đường đi của cá tra đến EU gặp nhiều trở ngại.

Theo ông Quốc, bên cạnh những yếu tố từ phía khách hàng, doanh nghiệp Việt Nam chưa đoàn kết, thiếu liên kết ngang, thường xuyên phá giá xuất khẩu khiến chất lượng và giá cá không ổn định, khó xây dựng thương hiệu quốc gia.

Trước yêu cầu khắt khe của EU, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bỏ cuộc, tìm kiếm thị trường "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, ông Quốc cho biết: "EU là thị trường lớn, khó tính nhất trong 28 thị trường xuất khẩu cá tra.

Dù vậy, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội từ EVFTA. Nếu gây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam ở đây, chúng ta có thể thu được nguồn lợi lớn và các thị trường khác không làm khó được Việt Nam".

Đồng tình với VINAPA, ông Nam cho biết hiện nay cá tra Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu tiêu thụ ở phân khúc thị trường trung bình, giá bình dân. Do đó, vấn đề của các doanh nghiệp là làm sao để sản phẩm đẹp cả về chất lượng, hình ảnh và giá cả.

Khi bước chân vào thị trường EU, các doanh nghiệp lưu ý từ khâu nuôi trồng, đóng gói, tiếp thị vào đa dạng các phân khúc thị trường.

Đồng thời, cam kết về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp... hoặc việc tăng chi phí sản xuất, các quy định về lao động và môi trường có thể bị nâng lên.

Đây là những vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cần nắm bắt để có những chủ động chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Lối đi nào cho ngành cá tra?

Bước qua giai đoạn phát triển nóng, khủng hoảng dư cung năm cuối 2019, ngành cá tra phải quy hoạch lại và tìm những hướng đi mới.

Qua khảo sát, Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết sản lượng cá tra khoảng 1,2 triệu tấn/năm sẽ cho giá tốt, sản lượng trên 1,4 triệu tấn/năm giá cá tra sẽ giảm mạnh.

Do đó, dựa trên khả năng tiêu thụ, ngành cá tra đã quy hoạch tập trung vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… Giai đoạn 2020 – 2021, sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm 20 – 25% so với năm 2018.

Theo VINAPA, hiện nay thị phần tiêu thụ cá tra Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia còn yếu, quảng bá hình ảnh ở thị trường nước ngoài chưa chủ động, thường xuyên.

"Hiệp hội kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đồng hành cùng VASEP, VINAPA và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Quốc nói.

Theo VINAPA, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu philê cá tra chiếm 97% và các sản phẩm giá trị gia tăng 3% trong tổng giá trị ngành cá tra VINAPA nhận thấy thời gian vừa qua, ngành cá tra chưa chú trọng phát triển thị trường nội địa 100 triệu dân.

"Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng các vùng miền, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hệ thống tiêu thụ toàn quốc. Như vậy, thị trường nội địa có thể trở thành mỏ vàng cho ngành cá tra", ông Quốc nhận định.

Phạm Mơ