Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 2
Giá cà phê tăng cao, cơ hội cải thiện kim ngạch xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.056 tấn, trị giá 435 triệu USD, so với tháng trước tăng 40% về lượng và trị giá.
Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại trong nước, tính đến ngày 10/3 giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 47.800 – 48.200 đồng/kg, tăng khoảng 20% (khoảng gần 8.000 đồng/kg) so với đầu năm nay.
Đây là mức giá giao dịch cao nhất trong 5 tháng trở lại đây và chỉ kém khoảng 2.500 đồng/kg so với mức đỉnh 50.700 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Lý giải cho đà tăng giá cà phê vừa qua, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế, Xuất Nhập khẩu của CTCP Cà phê Mê Trang cho biết thị trường cà phê vừa rồi tăng giá chủ yếu giá cà phê thế giới tăng cao do những thông tin bất lợi từ hoạt động sản xuất của Brazil.
Theo đó, thời gian qua, các vùng trồng cà phê của quốc gia này liên tục hứng chịu những tác động bất lợi của thời tiết xấu như lũ lụt, sương muối.
“Các nhà đầu cơ lớn trên thế giới tập trung mua vào để trữ hàng, dẫn tới đẩy giá cà phê thế giới cao hơn và giá cà phê trong nước cũng tăng theo”, ông Toàn cho biết.
Ngoài yếu tố kể trên, việc các nước xuất khẩu lớn chậm bán ra cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng cao trong thời gian qua bất chấp lãi suất có thể tăng hơn nữa ở hầu hết Ngân hàng Trung ương các nước.
Báo cáo tháng 2 của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) chỉ đạt 39,9 triệu bao, giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Reuters dẫn nguồn tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), cho biết, xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này trong tháng 2 chỉ đạt 2,1 triệu bao, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong tháng 2 kể từ năm 2018.
Theo Chủ tịch Cecafe, Marcio Ferreira, giá cà phê arabica trên sàn New York đã phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn thị trường nội địa Brazil. Trong khi đó, lượng tồn kho xuống thấp sau hai vụ mùa yếu kém khiến người nông dân không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.
Trong bối cảnh này, các thương nhân quốc tế đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cà phê tại các nước sản xuất khác với mức giá gần với giá tương lai trên sàn New York.
“Tình hình này có thể sẽ tiếp diễn cho đến tháng 6 hoặc tháng 7, khi vụ mùa mới của chúng tôi được đưa ra thị trường”, ông Marcio Ferreira cho biết.
Trên sàn giao dịch London, tính đến ngày ngày 10/3 giá cà phê robusta hợp đồng tháng 3 được giao dịch ở mức 2.168 USD/tấn, tăng 16% so với đầu năm nay.
Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York được giao dịch ở mức 175,5 US cent/pound, tăng 8,8% so với đầu năm.
Tuy nhiên, trái ngược với robusta, giá arabica đang có xu hướng giảm trở lại trong những tuần gần đây và đang thấp hơn khoảng 9% so với mức đỉnh 193,3 US cent/pound đạt được vào ngày 23/2 (193,3 US cent/pound).
Thị trường arabica đi xuống sau khi mưa lũ tại Brazil đã kết thúc, nông dân đã ra đồng để chăm sóc mùa màng trở lại. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê của Colombia cũng bắt đầu phục hồi sau đợt La Nina kéo dài.
Các thị trường lớn tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam
Cùng với giá đang ở mức cao, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn duy trì xu hướng tích cực trong 2 tháng đầu năm nay.
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam sau 2 tháng, chiếm 41% khối lượng xuất khẩu với 141.179 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại EU, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức tăng 1,3%, Italy tăng 43,8%, Tây Ban Nha tăng 7,8%, Hà Lan tăng 93,1%... Nhưng riêng xuất khẩu sang Bỉ giảm mạnh 42,9%.
Tương tự, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ cũng tăng tới 47,2%, đạt 24.138 tấn; Nga tăng 28,9%, đạt 19.820 tấn; Algeria tăng 117,1%...
Đặc biệt, một số nước có thế mạnh về trồng cà phê cũng tăng rất mạnh khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam như Mexico tăng gấp 6,7 lần (đạt 6.832 tấn), Indonesia tăng 2,6 lần (đạt 6.755 tấn), Ấn Độ tăng 74,2% (đạt 6.329 tấn).