|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Xuất hiện đối thủ nặng kí của thị trường cổ phiếu

19:15 | 02/01/2020
Chia sẻ
Theo BVSC, thị trường cổ phiếu đang chịu sự cạnh tranh lớn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vốn diễn ra rầm rộ trong năm 2019. CTCK này dự báo, xu hướng này có thể vẫn diễn ra trong năm 2020.

Chỉ số VNIndex đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa năm 2019 tại 960,99 điểm, tăng 7,67% so với cuối năm 2018. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.390 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2018, tương đương 79,3% GDP.

Tuy nhiên, theo quan sát của các nhà phân tích từ CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), năm 2019 vẫn là một năm tối màu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã sụt giảm mạnh so với năm 2018. 

Dù tiếp nhận những thông tin vĩ mô tích cực trong nước như GDP tăng vượt kì vọng, kí kết hiệp định thương mại EVFTA, NHNN cắt giảm lãi suất, Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua hay sự ra đời của các sản phẩm mới, nhưng VNIndex những tháng cuối năm đã chững lại và đi ngược xu hướng tăng điểm mạnh của các chỉ số MSCI khu vực phát triển và mới nổi.

Thanh khoản bình quân trên HSX và HNX đạt 4.444 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 6.283 tỷ đồng/phiên trong 2018, tương ứng với mức giảm -29,3%. Sự sụt giảm thanh khoản cho thấy dòng tiền vào thị trường khá yếu ớt. 

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), thị trường cổ phiếu đang chịu sự cạnh tranh lớn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), vốn diễn ra rầm rộ trong năm 2019.

Theo thống kê của BVSC, có hơn 218 nghìn tỉ đồng TPDN đã được phát hành trong năm 2019, gấp hơn 4 lần so với năm 2018. 

 "Xu hướng này có thể vẫn diễn ra trong năm 2020", các nhà phân tích BVSC dự báo.

Xuất hiện đối thủ nặng kí của thị trường cổ phiếu - Ảnh 1.

Thị trường trái phiếu DN lấn át các thương vụ phát hành cổ phiếu, IPO trong năm 2019 (Nguồn: Báo cáo chiến lược 2020 của BVSC)

BVSC cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong những năm gần đây về quy mô, tính đa dạng và khả năng tiếp cận với nhà đầu tư nhỏ đã tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đồng thời tạo ra nguy cơ xuất hiện những sản phẩm trái phiếu không có chất lượng nhưng vẫn được bán đến nhà đầu tư.

Thực tế, hiện tượng TPDN được các tổ chức trung gian đứng ra mua bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân đã diễn ra khá phổ biến trên thị trường trong năm vừa qua.

Năm 2019, nhan nhãn những lời mời chào mua TPDN từ các môi giới của các CTCK cho đến các quầy dịch vụ của NHTM.

Thậm chí, các hình thức cam kết mua lại trái phiếu cũng được một số CTCK đứng ra thực hiện nhằm biến sản phẩm TPDN như một loại chứng chỉ tiền gửi theo các kì hạn nhưng với lãi suất cao hơn ngân hàng từ 0,5-3%.

Trước tình hình phát triển ồ ạt của thị trường trái phiếu trong năm nay, Bộ Tài chính cũng đã liên tục lên tiếng nhằm chỉ ra những rủi ro mà các nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải, bao gồm khả năng mất khả năng thanh toán của chủ doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.

Bởi thông lệ thị trường tài chính cho thấy TPDN, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.

Hoàng Trung