|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lô trái phiếu lãi suất 20%/năm của công ty liên quan đến ACB: Thực tế chỉ 11%?

19:24 | 17/12/2019
Chia sẻ
Bộ Tài chính cho biết hiện đang rà soát, đánh giá về TPDN, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Liên quan đến những hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất thường diễn ra trong năm nay tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin, kinh nghiệm…ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (TCTC) đã có cuộc trao đổi với Cổng TTĐT Bộ Tài chính liên quan đến nội dung trên.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và TCTC cho biết có 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao mà báo chí có đề cập thời gian gần đây là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt, không mang tính chất đại diện và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động vốn từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, độ tín nhiệm an toàn cao vẫn huy động với mức lãi suất phù hợp.

"Chúng tôi có đi kiểm tra trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất trên 14%/năm thì thấy rằng đây là doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở GDCK, trái phiếu huy động cho các dự án được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh lời. 

Nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một nhóm nhà đầu tư cá nhân có khả năng đánh giá được rủi ro đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của trái phiếu", ông Dương nói.

"Đối với doanh nghiệp báo chí có phản ánh phát hành lãi suất ở mức 20%/năm, chúng tôi đã rà soát và đề nghị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn phát hành báo cáo thì lãi suất 20%/năm là mức lãi suất trần, lãi suất cụ thể được tính theo từng kỳ trả lãi (hàng tháng) và theo với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 2 ngân hàng thương mại nhà nước cộng với độ lệch, theo tính toán thì lãi suất cho kỳ trả lãi đầu tiên khoảng trên 11%/năm", Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và TCTC cho biết.

Thương vụ phát hành trái phiếu lãi suât 20%/năm của công ty liên quan đến ACB

Theo dữ liệu HNX công bố từ đầu năm đến nay, thương vụ huy động vốn với lãi suất 20%/năm chỉ có một doanh nghiệp duy nhất, đó chính là thương vụ huy động hơn 1.400 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.

Thương vụ huy động này đã xôn xao với giới tài chính giữa tháng 11. Bởi doanh nghiệp này chỉ có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, được thành lập cuối năm 2016 và có mối liên quan mật thiết đến những cổ đông nội bộ của Ngân hàng ACB.

Mắt xích đầu tiên trong thương vụ này là chủ sở hữu của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng - CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan - pháp nhân mới được thành lập vào ngày 9/8/2019 và cũng có vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp, Hồng Hoàng đã thế chấp 60,77 triệu cổ phiếu ACB cho Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands. Số cổ phần mà Hồng Hoàng sở hữu vừa khớp với số cổ phiếu quỹ của ACB ngày 30/10 và 4 giao dịch thoả thuận khác trong cùng ngày.

Đồng thời, khoản tiền 1.400 tỷ mà Hồng Hoàng thu về từ đợt phát hành cũng vừa khớp với giá thị trường của 60,77 triệu cổ phần ACB.

Lưu ý, cổ đông lớn nhất nắm 90% vốn công ty Nghi Lan là bà Trần Thị Minh Hà. Trần Thị Minh Hà có địa chỉ đăng kí hộ khẩu trùng với ACB chi nhánh Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP HCM.

Bà Minh Hà đồng thời cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh – công ty cùng hai đơn vị liên quan là CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn và CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen đã nhận chuyển nhượng 51,7 triệu cổ phiếu ACB có thị giá 1.600 tỷ đồng từ người nhà Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đã thu hút sự quan tâm của giới tài chính hồi đầu năm nay.

Theo tìm hiểu, "bộ 3" doanh nghiệp Bách Thanh, Giang Sen, Vân Môn cùng được thành lập từ tháng 11/2018 và có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 480 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 3, TP HCM – Đây chính là Chi nhánh HCM, Phòng giao dịch Minh Khai – Sài Gòn của ngân hàng ACB.

Bên cạnh "bộ 3" công ty nói trên thì công ty Hồng Hoàng, Nghi Lan cũng được đăng kí kinh doanh tại địa điểm nói trên. Đồng thời, cả 5 doanh nghiệp đều có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng và cùng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư.

Liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần cho các công ty, trả lời báo chí khi đó, ông Trần Hùng Huy cho biết: "Đây chỉ là việc cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình, không bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào, các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục gắn bó lâu dài và đồng hành cùng ACB".

Điều này cũng gần như đồng nghĩa với việc Chủ tịch ACB xác nhận nhóm công này là công ty thành viên trong nội bộ gia đình. Cùng với những thông tin về các doanh nghiệp cho thấy sự liên quan mật thiết của nhóm 5 công ty, đóng vai trò như những đơn vị quản lí tài sản cho những người thân trong gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.

Trở lại câu chuyện phát hành trái phiếu, mức lãi suất mà đơn vị này công bố lên đến 20%/năm là trường hợp quá bất thường đối với việc huy động bằng trái phiếu vốn phổ biến hiện nay, theo con số bình quân mà HNX công bố là từ 9,5% đến 11,5%.

Từ đó, sự việc đã tạo được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, những câu hỏi và suy luận được đặt ra là bản chất thực sự của thương vụ này là gì?

Cần tăng cường công khai, minh bạch

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. 

Sự phát triển của thị trường TPDN cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.

Lô trái phiếu lãi suất 20%/năm của công ty liên quan đến ACB: Thực tế chỉ 11%? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Ảnh: Bộ Tài chính)

Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng Dương cũng bày tỏ lo ngại rằng sự phát triển của thị trường TPDN vẫn còn một số hạn chế. 

Một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ qui định của pháp luật về công bố thông tin và qui trình phát hành, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro. 

Trong khi đó, xu hướng tăng mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Trước thực trạng này, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho rằng cần đặt ra yêu cầu các chủ thể tham gia thị trường TPDN cần chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đầy đủ hơn qui định của pháp luật. 

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp phát hành cần tuân thủ đầy đủ qui định của pháp luật khi huy động vốn trái phiếu, công bố công khai thông tin về tình hình tài chính, mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.

Thứ hai, đối với nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải khi mua trái phiếu. 

Thứ ba, đối với tổ chức cung cấp dịch vụ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, tư vấn cho doanh nghiệp phát hành tuân thủ đúng qui định của pháp luật khi phát hành trái phiếu.

Thứ tư, đối với cơ quan quản cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện khung khổ pháp nhằm tăng cường công khai, minh bạch và có đủ chế tài để quản giám sá hoạt động phát hành TPDN.

Đối với các nhà đầu tư nào tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng theo thông lệ quốc tế, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư, có năng lực tài chính và khả năng đánh giá, phân tích rủi ro.

Do khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động nên các nhà đầu tư cá nhân cần rất thận trọng khi quiết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. 

Trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân nếu mua trái phiếu thì phải am hiểu về tài chính, có khả năng phân tích rủi ro và dám chấp nhận rủi ro trong đầu tư. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Khi mua trái phiếu doanh nghiệp các nhà đầu tư phải nắm được thông tin đầy đủ như: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành? có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo? cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu như thế nào? kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi? tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành?

Do đó, nhà đầu tư cá nhân không nên chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao mà không tìm hiểu kỹ về rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư. 



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Trung

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.