Tròn 2 năm kể từ đợt phát hành 6.000 tỉ trái phiếu thâu tóm Khách sạn Daewoo, Bông Sen Corp vừa phát hành thêm 6.450 tỉ đồng trái phiếu để đảo nợ?
Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa thông báo đã phát hành 64,5 triệu trái phiếu có tổng trị giá lên đến 6.450 tỉ đồng vào ngày 27/8 vừa qua.
Danh tính trái chủ - tổ chức đã đứng ra mua số trái phiếu trên không được tiết lộ. Đầu mối đứng ra thực hiện thương vụ này là Công ty chứng khoán VPS (trước đây là Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS) tham gia với tư cách vừa là đại lí phát hành, vừa là Đại diện chủ sở hữu trái phiếu.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Bông Sen Corp Đinh Thị Ngọc Thanh cũng cho biết, ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tham gia vào thương vụ với vai trò là đại lí quản lí tài sản đảm bảo.
Lãi suất trái phiếu phát hành 11%, sẽ được trả 3 tháng/lần. Phía Bông Sen Corp cho biết sẽ thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động và các khoản thu nhập hợp pháp khác.
Khối tài sản "khủng" của Bông Sen Corp
Theo thông báo, đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản. Và để đảm bảo cho lô trái phiếu 6.450 tỉ đồng trên, Bông Sen Corp đã sử dụng cổ phần trong Công ty Cổ phần Deaha, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa Ốc Nova (Novaland – Mã: NVL) và trong chính tổ chức phát hành.
Ngoài ra là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của 15 khu đất nằm tại các quận trung tâm của TP HCM; các tài sản và quyền lợi có liên quan đến 2 nhóm tài sản trên; các khoản phải thu và quyền đòi nợ của một bên thứ 3 theo một số hợp đồng/thoả thuận và các giấy tờ có giá thuộc sở hữu của tổ chức phát hành.
Theo tìm hiểu, Bông Sen Corp là một khách hàng VIP tại VPBank. Dù vậy, hiện Bông Sen Corp không còn dư nợ tại VPBank.
Theo dữ liệu từ năm 2018, tổng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này bao gồm các loại cổ phần đứng tên cá nhân, cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1, chứng chỉ tiền gởi và một loạt bất động sản tại trung tâm TP HCM được VPBank định giá trên 10.000 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 chính là đơn vị đã đứng ra thực hiện thương vụ thâu tóm 51% vốn tại Trung tâm Thương mại Daeha (bao gồm Khách sạn Daewoo) gây xôn xao dư luận năm 2015.
Theo một số thông tin, số tiền mà Bông Sen Corp đã bỏ ra 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% khách sạn Deawoo thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn.
Huy động để đảo nợ?
Cùng với việc thâu tóm các bất động sản lớn, có thể thấy Bông Sen Corp là doanh nghiệp kín tiếng có khả năng huy động những nguồn vốn quy mô lớn một cách khá dễ dàng.
Tháng 2/2015, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật của Bông Sen Corp kí quyết định chào bán hơn 163 triệu cp với mức giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành 1.632 tỉ đồng nhằm tài trợ vốn cho thương vụ thâu tóm 51% Trung tâm Thương mại Daeha.
Tiếp đến, tháng 10/2016, Bông Sen Corp thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh với vốn điều lệ tăng thêm gần 2.700 tỉ đồng lên mức 4.777 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơn khát vốn của doanh nghiệp này vẫn chưa dừng lại.
Đến tháng 8/2017, Bông Sen Corp tiếp tục tăng vốn thông qua phát hành lô trái phiếu có giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng với kỳ hạn 2 năm nhằm mục tiêu tài trợ vốn cho hoạt động M&A, tăng qui mô vốn. Kết quả thu được 5.473 tỉ đồng.
Thông tin của đợt phát hành cũng đã tiết lộ sở hữu cổ phần mà doanh nghiệp này đã đứng ra thâu tóm thương vụ nói trên đã lộ diện: "tài sản đảm bảo bao gồm 70% cổ phần Trung tâm Thương mại Daeha".
Như vậy, nhiều khả năng Bông Sen Corp đã nuốt trọn 70% vốn tại Trung tâm Thương mại Daeha và phân bổ số cổ phần còn lại cho các các cá nhân đứng tên. Theo đó, giá trị của thương vụ có thể đã tăng lên khoảng 1/3 so với con số ước tính ban đầu.
Ngoài tổ hợp Daeha tại Hà Nội, Bông Sen Corp cũng là cái tên mạnh bạo trong những cuộc M&A các bất động sản lớn tại trung tâm thành phố lớn như nắm 45,16% vốn CTCP Khách sạn Sài Gòn, sở hữu 72,5% trong CTCP Sài Gòn One Tower - chủ đầu tư dự án cùng tên "đắp chiếu" nhiều năm bên bờ sông Sài Gòn.
Từ một doanh nghiệp có vốn 326 tỉ đồng và tổng tài sản hơn 1.000 tỉ đồng năm 2013, Bông Sen Corp đang cho thấy dáng dấp của một tay chơi M&A được tài trợ bằng vốn vay đầy bí ẩn.
Tổng tài sản tại thời điểm kết thúc 2018 của đơn vị này đã vọt lên hơn 14 nghìn tỉ đồng.Trong đó, rất nhiều khoản phải thu. Trong khi nợ vay tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 5.500 tỉ đồng – đây rất có thể là khoản nợ vay trái phiếu đã được Bông Sen Corp phát hành 2 năm trước chuyển sang thành nợ ngắn hạn.
Trước đó, vào giữa tháng 3/2019, "đại gia" này cũng phát hành lô trái phiếu 400 tỷ đồng với lãi suất cố định 12%/năm. VPS cũng chính là công ty chứng khoán đứng ra ôm trọn số trái phiếu trên và bán lẻ lại cho các nhà đầu tư.
Theo đó, việc phát hành lần này của Bông Sen Corp nhiều khả năng nhằm để tái cơ cấu lại khoản vay trước đó mà đơn vị này đã vay để đầu tư.
Thực tế cho thấy, không phải bất cứ "tay mơ" nào cũng có thể huy động được vốn thông qua kênh trái phiếu nếu không có mối liên hệ mật thiết với các ông chủ Ngân hàng và cánh tay đắc lực Công ty chứng khoán.
Theo dữ liệu của Bông Sen Corp, nhà đầu tư từ sơ cấp đã mua 99,8% lượng trái phiếu trong tổng số 5.473 tỉ đồng của Bông Sen Corp phát hành 2 năm trước là công ty chứng khoán.