|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng tiêu dùng của người Việt trong năm 2022: Bùng nổ nhà thuốc online

10:12 | 09/12/2022
Chia sẻ
Người tiêu dùng Việt đang ngày càng khắt khe hơn với những sản phẩm dịch vụ, đề cao trải nghiệm và chất lượng, thay vì nâng lên đặt xuống chuyện giá cả.

Theo Báo cáo Xu hướng số của người dùng trên không gian mạng (Báo cáo Xu hướng tiêu dùng) năm 2022 do trình duyệt web Cốc Cốc công bố, có 4 xu hướng nổi bật nhất mà người Việt quan tâm trong năm vừa qua, gồm: thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; cao cấp hóa; dịch chuyển số, mua sắm trực tuyến và vâng cao trải nghiệm, giá trị sống.

Người Việt cũng có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại. 

Theo những nghiên cứu từ Nielsen, một trong các xu hướng tiêu dùng nổi bật ở Việt Nam là người tiêu dùng muốn sử dụng những sản phẩm cao cấp hơn. Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch, xu hướng cao cấp hóa được người Việt thể hiện thông qua nhu cầu ăn và ở.

Cụ thể, lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.

Ngoài ra, tất cả nhóm người tiêu dùng cũng cho biết, họ sẵn sàng chi tiêu mua sắm đầy đủ đồ gia dụng, hoàn thiện nội thất ngay khi sở hữu căn nhà mới, phản ánh xu hướng người dùng Việt ngày càng chú trọng chất lượng sống. 

Đặc biệt, trong những ngành như chăm sóc sắc đẹp hay giáo dục, chi phí không còn được đem lên bàn cân để tính toán. Thay vào đó, người tiêu dùng Việt có xu hướng yêu cầu nhiều hơn về chất lượng và trải nghiệm của dịch vụ/sản phẩm.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Cốc Cốc là sự hiện diện ngày càng nhiều của nhà thuốc trên không gian mua sắm trực tuyến. Trong năm 2022, ngành Dược phẩm chứng kiến nhiều hiệu thuốc online xuất hiện nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng lưu lượng truy cập website top các nhà thuốc online đều ở mức tích cực, ví dụ Long Châu (150,22%), Pharmacity (31,05%) hay Jio Health (172,1%)...

Dựa trên số liệu từ báo cáo, mua sắm trực tuyến và thanh toán phi tiền mặt vẫn tiếp tục ghi nhận điểm sáng hậu đại dịch. Theo khảo sát từ Cốc Cốc, có khoảng 47% người tham gia sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng - tín dụng... Lý do chủ yếu là giúp tiết kiệm thời gian mua bán; linh hoạt về thời gian; tiện lợi trong thanh toán... 

Bên cạnh đó, thị trường đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của các siêu ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là các app thương mại điện tử. Có đến 55% người dùng trả lời rằng họ đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, … Số còn lại cho biết họ mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội (chiếm 24%) hoặc cả hai (21%).

Từ kết quả khảo sát, các chuyên gia của Cốc Cốc đưa ra 4 lời khuyên dành cho doanh nghiệp như sau: Tạo ra sự thu hút với người dùng từ các giá trị và lợi ích của sản phẩm và dịch vụ; nhóm người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu sở hữu sức mua tiềm năng và cần phải nắm bắt nhu cầu cấp cao hóa của họ; Xây dựng chiến lược đa kênh với online làm chủ đạo, đồng thời nâng cấp các trải nghiệm dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.

Thùy Trang