Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% do Tết Nguyên đán
Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%).
Kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.
“Nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ”, Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu cao như Hải Phòng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9,0%; Quảng Ninh tăng 8,5%; TP HCM tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 7,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu cao như Đà Nẵng tăng 17,7%; Huế tăng 17,6%; Hà Nội tăng 16,8%; TP HCM và Bình Dương cùng tăng 15,6%; Đồng Nai tăng 12,7%; Cần Thơ tăng 10,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,6%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết của tháng 1. Một số địa phương có doanh thu cao như Khánh Hòa tăng 36,6%; Đà Nẵng tăng 21,0%; TP HCM tăng 17,0%; Cần Thơ tăng 16,0%; Hà Nội tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 14,7%.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mức tăng, giảm tháng 1 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 25,5%; Nam Định tăng 15,7%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 4,7%; Kiên Giang giảm 0,8%; Cà Mau giảm 4,8%.
Trong Nghị quyết số 25 ngày 5/2 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đã đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành và lĩnh vực, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 12%.
Để đạt được kết quả này, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở. Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số.
Thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế, từ đó sẽ tác động lan tỏa tới các ngành dịch vụ, như: bán lẻ hàng hóa; dịch vụ vận tải và các ngành dịch khác.