Xu hướng nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ, lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm?
Định hướng nới lỏng tiền tệ đang ngày càng rõ nét
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức cắt giảm đồng loạt 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng của các ngân hàng xuống 4,25%.
Đáng chú ý, đây là lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng và lần thứ ba trong vòng 1 năm qua. Trước đó, NHNN cũng đã giảm mạnh các lãi suất điều hành lần lượt 0,5 điểm % và 0,25 điểm % vào ngày 17/3/2020 và 16/9/2019, cũng như giảm trần lãi huy động dưới 6 tháng xuống còn 4,75%/năm.
Đi cùng với động thái cắt giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng gần như không phát hành tín phiếu để hút tiền về trong liên tiếp 6 tuần vừa qua trong khi có tới hàng trăm nghìn tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Điều này đồng nghĩa nhà điều hành đã bơm ròng một lượng tiền lớn vào thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong những tuần gần đây.
Theo giới phân tích, việc NHNN giảm các loại lãi suất điều hành tổng cộng 1 điểm % chỉ trong vòng 2 tháng cũng như động thái bơm ròng trên thị trường ngân hàng vừa qua cho thấy định hướng nới lỏng tiền tệ đang ngày càng rõ nét hơn.
Chứng khoán Bảo Việt nhận định, với quyết định giảm lãi suất điều hành vừa qua nhiều khả năng NHNN sẽ không phát hành thêm tín phiếu mới trong các tuần tới, đồng nghĩa sẽ có thêm lượng vốn bơm ròng qua thị trường mở để ổn định thanh khoản cho thị trường. Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng khả năng sẽ dao động trong vùng cân bằng thấp hơn trước trong thời gian tới (khoảng 1,5 -2%).
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng động thái cắt giảm lãi suất điều hành mới nhất là biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của nhà điều hành.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc cắt giảm lãi suất của NHNN được thực hiện đồng thời trên thị trường huy động giữa ngân hàng và dân cư (thị trường 1) thông qua việc giảm giảm trần lãi suất tiền gửi; và trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) thông qua việc giảm 0,5 điểm % các loại suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất OMO…).
"Tất cả động thái này nhằm mục đích giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế", vị chuyên gia này đánh giá.
Trước đó, Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.
"Căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tại hội nghị.
Mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm
Ngay sau động thái hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi từ ngày 13/5. Theo đó, lãi suất các kì hạn dưới 6 tháng giảm từ 0,15 đến 0,25 điểm % so với trước đó, trong khi lãi suất các kì hạn trên 6 tháng hầu như vẫn được giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.
Cùng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm trong những ngày qua.
Mới nhất, Vietcombank thông báo giảm 5% số tiền lãi cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống. Ước tính, có hơn 85.000 khách hàng cá nhân với qui mô tín dụng là 64.000 tỉ đồng sẽ được giảm lãi.
Trước đó, BIDV cũng đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND với một số lĩnh vực ưu tiên theo qui định tại Thông tư 39 của NHNN về 5,0%/năm.
Theo chứng khoán Yuanta, việc hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN có tác động tích cực nhiều hơn lên hệ thống ngân hàng và có thể sẽ tác động tới nền kinh tế mạnh hơn đợt giảm lãi suất của NHNN lần 1 vào tháng 3 vừa qua.
Theo đó, một loạt lãi suất đầu vào cho ngân hàng đặc biệt lãi suất huy động tối đa kì hạn ngắn giảm mạnh hơn kì trước sẽ giúp các ngân hàng giảm được chi phí huy động đáng kể. Việc này sẽ giúp các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp gia hạn nợ và cơ cấu lại các khoản vay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào nay lại càng dồi dào hơn.
Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 ở thời điểm hiện tại do về bản chất, hoạt động này của NHNN đa phần được thực hiện để hỗ trợ cho các NHTM giảm chi phí vốn để có điều kiện hạ lãi suất cho vay cho các đối tượng ưu đãi. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm duy trì ở mức thấp (trung bình khoảng 2%) kể từ đầu năm và lợi suất TPCP 10 năm chỉ ở khoảng 3% - thấp hơn rất nhiều so với lợi suất của các nước cận biên.
Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kì hạn dưới 6 tháng, KBSV nhận thấy xu hướng giảm từ 50 – 100 điểm cơ bản của lãi suất huy động các kì hạn trên 6 tháng sau thời điểm NHNN hạ lãi suất điều hành vào tháng 3 vừa qua. Đây là cơ sở để tiếp tục kì vọng lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhất là trong bối cảnh các NHTM sẽ tăng cường cắt giảm chi phí huy động để có thể bù đắp cho sự sụt giảm NIM do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (bên cạnh việc thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động khác).
Đối với mặt bằng lãi suất cho vay, KBSV cho rằng xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới do nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn ở mức yếu, kết hợp với các nỗ lực của NHNN nhằm hạ lãi suất cho vay.