|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Xu hướng cạnh tranh hiện là cá nhanh nuốt cá lớn'

15:57 | 22/04/2021
Chia sẻ
Tại diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2021, một số lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quan điểm rằng xu hướng cạnh tranh hiện tại là "cá nhanh nuốt cá lớn" thay vì "cá lớn nuốt cá bé".

Thời "cá nhanh nuốt cá lớn"

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn TMĐT và mạng xã hội ngày càng tăng, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 khởi phát. Mạng xã hội cũng trở thành kênh tiếp thị và bán hàng hiệu quả nhất. Hai tên miền phổ biến nhất là tên miền quốc gia ".vn" và tên miền quốc tế ".com".

Tại diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2021 - Chuyển đổi từ hôm nay" diễn ra tại TP HCM hôm 22/4, ông Vũ Nhân Nguyên Vũ, Giám đốc Marketing của Nhân Hòa, cho biết các về tốc độ chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang thực hiện chuyển đổi số rất nhanh, thậm chí còn nhanh hơn các tập đoàn, công ty lớn.

SMEs đang chuyển đổi số nhanh hơn cả doanh nghiệp lớn - Ảnh 1.

Các diễn giả trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm "Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2021 - Chuyển đổi từ hôm nay" diễn ra tại TP HCM hôm 22/4. (Ảnh: VECOM).

"SME đang từng bước tiếp cận với chuyển đổi số với những bước đi nhỏ hơn. Bởi chuyển đổi số hiện không nhất thiết phải xây dựng với số vốn lớn mà có thể là chuỗi các dự án nhỏ được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đứng trên góc độ là đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, tôi nhận thấy SMEs đang thực hiện rất tốt", ông Nguyên Vũ cho hay.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch HĐQT CTCP BambuUP, cũng bổ sung rằng với những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay như COVID-19 đã khiến cho tất cả doanh nghiệp, kể cả lớn và nhỏ, gần như có cùng một xuất phát điểm.

Điều này dẫn đến một xu hướng cạnh tranh là "cá nhanh nuốt cá lớn" thay vì "cá lớn nuốt cá bé". SME đang chuyển đổi số rất nhanh nhưng đó cũng là áp lực đối với các doanh nghiệp lớn nếu họ không đuổi kịp, bà Quỳnh nhận định.

Theo Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước trong báo cáo của VECOM cho thấy 10% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu năm 2020 tăng lên bất chấp đại dịch, trong khi đó 50% doanh nghiệp bị giảm và 40% có doanh thu hầu như không thay đổi.

Xu hướng chính để doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo ông Phạm Văn Thọ Lộc, Giám đốc Nielsen IQ Việt Nam, xu hướng thật sự mới của TMĐT trong năm nay đó là độ tuổi và phân khúc người tiêu dùng ngày càng đa dạng hơn. Không chỉ đối tượng trẻ và ngành hàng đặc thù như thời trang hay du lịch được mua bán online mà các sản phẩm thường mua ở tạp hóa cũng đang dần chuyển đổi.

Ở góc độ ngành ngân hàng, bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Thẻ và Thanh toán thương mại của VPBank SME, thì cho rằng xu hướng lớn nhất để doanh nghiệp cần phải chuyển đổi là thanh toán. Thực tế, người Việt Nam vẫn còn thanh toán dùng tiền mặt khá nhiều trong khi Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO của Accesstrade, lại cho rằng doanh nghiệp nên chuyển từ thử nghiệm TMĐT sang đầu tư hiệu quả. Theo đó, thay vì chạy quảng cáo không hiệu quả, chạy bán hàng nhiều nhưng không ra đơn, thì nên tập trung vào lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.

Ông Nicholas John Ippel, Giám đốc quốc gia Việt Nam Anchanto PTE., nhận định rằng mảng B2C ở thị trường Việt Nam vẫn còn thủ công, dựa vào sức người nhiều nên phải kết nối và cung cấp giải pháp kỹ thuật số để gia tăng sự hiệu quả hơn trong việc bán hàng online và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Ippel, chuyển đổi số là một quá trình dài, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ hay một quy trình nhỏ trong khâu và làm thật tốt. Tùy vào tình hình kinh doanh thì mỗi donah nghiệp sẽ có quy trình chuyển đổi số riêng, không nên nóng vội sẽ dễ dẫn đến thất bại.

Ông Nguyên Vũ thì nhận định rằng trước khi chuyển đổi số thông qua kênh online, xây dựng website... doanh nghiệp nên tập trung vào kinh doanh, đào tạo đội ngũ kinh doanh, SEO để phục vụ khách hàng thật tốt, nhất là chăm sóc khách hàng. Nếu doanh nghiệp chưa thể làm tốt mảng này thì sau chuyển số sẽ gặp khó khăn, thậm chí là thất bại.

SMEs đang chuyển đổi số nhanh hơn cả doanh nghiệp lớn - Ảnh 2.

Ông Vũ Nhân Nguyên Vũ, Giám đốc Marketing của Nhân Hòa. (Ảnh: Chụp màn hình).

Bên cạnh đó, câu chuyện kinh doanh thế nào trong môi trường số cũng là một vấn đề được rất đáng quan tâm. Tại buổi tọa đàm, một đại diện SMEs có câu hỏi: "Làm thế nào để gia nhập ngành hàng tiêu dùng nhanh (FCMG) khi kênh Online đã có quá nhiều đối thủ?"

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Thọ Lộc cho rằng điều cốt lõi khi kinh doanh online hay offline là có sản phẩm tốt và tạo ra sự khác biệt trước các đối thủ, công thức này áp dụng kể cả các doanh nghiệp lớn.

SMEs hiện có xu thế chuyển đổi số nhanh hơn và sẽ có nhiều công cụ hỗ trợ để chuyển đổi mô hình kinh doanh nhắm đến những đối tượng khách hàng khác nhau, ông Lộc chia sẻ. Thực tế, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực chưa nhiều nên còn nhiều cơ hội để SME tạo sự khác biệt về sản phẩm.

Trên thực tế, sản phẩm của các công ty có thể không có sự khác biệt nhiều về tính năng, công nghệ. Tuy nhiên, một công ty có thể tạo ra sự khác biệt bằng sự tương tác với khách hàng. Ông Hữu Hưng chỉ ra rằng trên các sàn online, tính tương tác giữa người với người còn thiếu.

Ví dụ trước một sản phẩm xà bông của doanh nghiệp, khách hàng có thể hỏi trẻ em da còn yếu có dùng được không, hay người có tiền sử bị dị ứng da có dùng được không. "Các sản phẩm online không cung cấp chi tiết những thông tin đó", ông Hưng khẳng định.

Hiện nay, thị trường có sự cạnh tranh của rất nhiều kênh bán hàng, bằng chứng là chi phí chạy quảng cáo của Facebook hay Google ngày càng đắt. Ông Hưng cho biết sự tận tâm của công ty tới khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị.

"Không nhất thiết phải tiếp cận 10.000 khách hàng trên Lazada, Shopee mà chỉ cần 1.000 khách hàng tiếp cận và thường xuyên mua hàng của doanh nghiệp, công ty sẽ nhận về gấp nhiều lần. Đồng thời phải xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo dựng lòng tin và uy tín đối với người dùng", ông Hưng chia sẻ.

Tường Vy