Nút thắt về tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp SME
Tại toạ đàm “Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME” do báo Dân trí tổ chức, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HanoiSME) cho rằng, một trong những nút thắt về câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp SME là liên quan đến phương án kinh doanh và việc sử dụng vốn.
Theo đại diện HanoiSME, bản chất doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là yếu và thiếu rất nhiều mặt như thiếu vốn, yếu về năng lực quản trị, yếu về điều hành và chưa có kinh nghiệm. Trong đó, những DN khởi nghiệp đều là người trẻ, chưa có kinh nghiệm quản trị nên rủi ro là rất nhiều.
Không những thế, trong thời gian qua, một số ngân hàng đã siết chặt vấn đề thủ tục và sâu sát hơn trong vấn đề nội tại DN. Song, đại diện HanoiSME cũng cho rằng, để việc vay vốn diễn ra suôn sẻ, các “nhà băng” cần song hành với DN trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
“Về thủ tục, có những cái cần nới, có những cái cần chặt chứ không phải cái gì cũng chặt quá. Cái gì thuộc về thông lệ trước đây, đã nằm trong tệp theo dõi, đã nắm được rất rõ thì nên có những thủ tục tháo gỡ”. Cái quan trọng nhất là ngân hàng cần song hành với DN trong việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và quản lý dòng tiền , bà Ngân nêu quan điểm.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, để ngân hàng “gật đầu” cho doanh nghiệp SME vay vốn là không khó nhưng các quy trình vay vẫn cần tuân thủ các quy tắc. Vì nếu DN không có hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, không nộp thuế đầy đủ, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, không tuân thủ quy định pháp luật, không có nguyên tắc quản trị công ty tốt mà luôn luôn xảy ra xung đột hoặc tranh chấp nội bộ thì người cho vay sẽ không sẵn sàng cho DN vay tiền.
Ông Bình cho rằng, ngân hàng cũng là DN, khi người dân gửi tiền vào ngân hàng thì họ sẽ phải tìm khách hàng cho vay phù hợp. Do đó việc, “ngân hàng giữ chuẩn mực cho vay là điều rất cần thiết vì sẽ bảo vệ được cho lợi ích của người gửi tiền và cho xã hội”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng thông tin, vấn đề quản trị của những doanh nghiệp SME ở Việt Nam đang rất yếu, khi có đến 60-70% dưới chuẩn của ASEAN, đây cũng là điều lo ngại của các ngân hàng khi cho DN vay vốn. Song, để giải được bài toán này, các DN cần nâng cao chuẩn mực và năng lực nhằm tiếp cận vốn vay ngân hàng một cách tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhận định, để việc tiếp cận vốn trở nên thông thoáng hơn, các DN nói chung và doanh nghiệp SME nói riêng phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh và điều chỉnh lại phương án kinh doanh. Vì hiện nay, phương án kinh doanh của doanh nghiệp SME rất yếu, phương án kinh doanh mới dường như không có nên ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới. Trong khi việc cho vay mạo hiểm thì các ngân hàng không dám làm.
“Còn nếu phương án kinh doanh tốt, tôi cam đoan ngân hàng rất sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất”, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.