|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'SMEs nên xuất khẩu qua siêu thị châu Á trước rồi mới phân phối hàng ở các nước phát triển'

14:39 | 14/01/2021
Chia sẻ
Thay vì chờ đợi chính phủ hỗ trợ trong khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã tự lực hơn, liên kết thanh chuỗi với nhau, làm chung, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Ngoài ra, khi kết nối toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ nên đi từng bước một.

Tại Talk Show "Nguy - Cơ" do S-world Multimedia và VnExpress cùng thực hiện sản xuất, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã trưởng thành lên rất nhiều bằng việc tự liên kết với nhau.

"Họ liên kết với nhau thành chuỗi, làm chung, hỗ trợ nhau. Càng ngày doanh nghiệp thấy phải tự lực, đó là điểm sáng trong sự trưởng thành của SMEs", bà Kim Hạnh đánh giá.

Tự lực - bài học lớn nhất của SME trong thời COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: FBNV).

Đối với các nước châu Á, SMEs chiếm từ 80 - 90 % trên tổng số doanh nghiệp cả nước. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, cũng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6% so với cùng kì năm trước.

Theo bà Hạnh, lượng doanh nghiệp thành lập mới và giải thể như trên để lại những gánh nặng lớn, tuy nhiên những doanh nghiệp gắng gượng cũng có những câu chuyện cảm động.

"Họ chuyển ngành, gọt vốn, chia nhỏ… tức phải ứng biến rất nhiều để vượt qua đại dịch. Cái may trong đó là doanh nghiệp biết cách để suy nghĩ lại, xem mô hình đúng chưa, thị trường, dòng sản phẩm đã phù hợp chưa. COVID-19 cũng khiến họ dễ tiếp cận thực tế, trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về tìm đối tác để liên kết", bà Hạnh nói.

Lấy ví dụ về Đài Loan (Trung Quốc), bà cho biết các doanh nghiệp đi giao thương rất rộng, thậm chí mua lại doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam. Không phải doanh nghiệp Việt Nam nhỏ mà là có liên kết được với nhau, tự đào tạo để trưởng thành hay không.

Là người đồng hành cùng các SMEs trong nhiều giai đoạn, bà Hạnh nêu ra những thứ mà SMEs cần nhất hiện nay, đó là sự trợ lực từ những người hiểu về doanh nghiệp Việt Nam; thứ hai là năng lực về sự hiểu biết, quản trị; thứ ba là việc tiêu thụ được sản phẩm và tìm thị trường.

Theo bà Hạnh, đang có rất nhiều hy vọng do nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở. Bên cạnh đó, nếu chính sách của Chính phủ có thể hỗ trợ cho việc liên kết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chắc chắn phía nhận hỗ trợ sẽ rất cố gắng để làm cho tốt. 

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng khi doanh nghiệp không còn sức chịu đựng thì nền kinh tế cũng không còn để chịu đựng.

Về việc kết nối với giá trị toàn cầu, bà Hạnh khuyên các SMEs nên đi từng bước, xuất qua siêu thị của châu Á và người Việt Nam trước, rồi mở những công ty phân phối ở những nước phát triển. Bà cũng nhấn mạnh đây là đầu cầu để xuất hàng qua. 

Sau đó, khi sản phẩm đã có uy tín, những siêu thị nước ngoài thấy có nhu cầu ở những người bản xứ sẽ nhập hàng Việt. Bà cũng nhấn mạnh rằng đây là một quá trình "không được mất kiên nhẫn".

Bên cạnh đó bà Hạnh cũng nhắn nhủ tới các SMEs: "Doanh nghiệp vẫn phải sống tiếp nhưng ngày mai phải tốt hơn hôm nay, mỗi ngày phải học được bài học là mình đi cho đúng. Các bạn phải hiểu rằng mình có thể thu hút những nguồn lực có sẵn trong xã hội rất năng động này".

Tường Vy