Xét xử Phạm Công Danh sáng 26/1: Kiến nghị thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng từ Sacombank, BIDV, TPBank để trả cho CB là không có cơ sở pháp lý
11h35: Phiên tòa kết thúc
11h25: HĐXX mời đại diện TPBank
Trong phần Luận tội, đại diện VKS cho rằng trong quá trình điều tra, VKS đã có đề nghị Cơ quan điều tra điều tra, thu hồi tài sản từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank để trả về cho Ngân hàng Xây dựng nhưng Cơ quan Điều tra chưa thực hiện. Do đó, tại phiên tòa này, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX xem xét, thu hồi khoản tiền hơn 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng. Về vấn đề này, TPBank thấy rằng không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn nào đối với quan điểm nêu trên, đồng thời nếu quan điểm này trở thành hiện thực sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Giao dịch gửi tiền - nhận tiền gửi, bảo lãnh – nhận bảo lãnh, cầm cố tiền gửi - nhận cầm cố tiền gửi là những giao dịch được thực hiện giữa TPBank và VNCB với tư cách là 2 ngân hàng thương mại cổ phần, không phải giao dịch giữa TPBank với cá nhân ông Phạm Công Danh và đồng phạm.
TPBank tất toán hợp đồng tiền gửi, tự động trích tiền gửi của VNCB để thu nợ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
11h14: HĐXX mời đại diện Sacombank
Tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26/04/2013), thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26/01/2014), 2 pháp nhân Ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch được thực hiện và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra; sau khi giao dịch tất toán về phía Ngân hàng Đại Tín không có ý kiến gì. Giao dịch giữa Sacombank và Ngân hàng Đại Tín phù hợp với thỏa thuận của các bên tại các Hợp đồng tiề gửi thanh toán không kỳ hạn; Hợp đồng cầm cố, bảo lãnh; Hợp đồng tín dụng; Việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay.
Giao dịch giữa Sacombank và Ngân hàng Đại Tín thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật thể hiện tại: Khoản 2 Điều 95 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010; Điều 56 Nghị định của Chính phủ 163/2006/ND-CP về giao dịch đảm bảo; Điều 12 Nghị định của Chính phủ số 57/2012/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với TCTD; Khoản 2 (b,c) Điều 24 và Khoản 2a Điều 25 của Quyết định NHNN số 1627 về ban hành quy chế cho vay của TCTD.
Đáng lưu ý việc Ngân hàng Đại Tín chuyển tiền thanh toán tại 02 Chi nhánh của Sacombank đã được Tổ Giám sát NHNN phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ Luật dân sự thì đến nay đã quá 03 năm; do vậy, việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.
Do vậy, việc kiến nghị thu hồi tiền nêu trên không có đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở, lớn cho hoạt động của Sacombank (nói riêng) và hệ thống Ngân hàng (nói chung), không đảm bảo quyền và các lợi ích của các TCTD theo quy định của pháp luật, có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng tranh chấp đối với các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp đang được vận hành bình thường, không có vướng mắc và có thể làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào Ngân hàng, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của Sacombank (nói riêng) và hệ thống Ngân hàng (nói chung).
11h10: Đại diện CBBank trình bày quan điểm bảo vệ lợi ích hợp pháp
Liên quan đến vụ án, CB cho rằng đã cung cấp đủ hồ sơ phục vụ cho điều tra vụ án.
11h05: Luật sư Nguyễn Đình Phương bào chữa cho bị cáo Thịnh
Luật sư cho biết, bị cáo làm thuê, không hiểu biết. Tội danh này đã được bị cáo thi hành giai đoạn 1. Luật sư cho rằng VKS đã khởi tố 2 lần cùng với 1 tội danh. Kính mong HĐXX miễn xem xét tội danh cho bị cáo, vì bị cáo đã thực hiện thi hành án ở giai đoạn 1.
Bị cáo Thịnh
Bị cáo mong HĐXX xem xét và giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không có bổ sung.
10h55: Luật sư Nguyễn Lộc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (Giám đốc Công ty Thịnh Quốc)
Bị cáo Thịnh là nhân viên bảo vệ của tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo đứng tên giám đốc theo chỉ đạo. Bị cáo không chủ động, không cố ý làm trái như cáo trạng nêu Bị cáo Thịnh không điều hành công ty, không có tài sản tại công ty, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ do Thiên Thanh nắm giữ, không xem qua hồ sơ khi ký. Vì vậy theo luật sư, bị cáo Thịnh không có động cơ phạm tội, không hưởng lợi, là người bị hại trong vụ án này.
Xác định hành vi phạm tội của bị cáo là không đủ thuyết phục và không đúng pháp luật. Việc cáo buộc là đồng phạm dựa trên căn cứ thiệt hại gây ra là không chính xác.
Luật sư trình bày hoàn cảnh gia đình, có công cách mạng... và mong HĐXX xem xét về tội cố ý không thỏa đáng. Bị cáo phạm tội lần đầu, thiếu kiến thức về pháp luật. Xem xét mức án thấp nhất, mong bị cáo sớm đoàn tụ với gia đình.
10h30: Luật sư Huỳnh Phương Nam bào chữa cho bị cáo Nguyễn Vũ Bảo
Luật sư cho biết, không có lời khai nào chứng tỏ bị cáo biết rõ khoản vay tại BIDV dùng để tăng vốn cho VNCB. Bị cáo không biết 12 công ty trong đó có công ty Phong Hiệp là của Phạm Công Danh, không có căn cứ để chứng minh bị cáo là đồng phạm, tiếp nhận ý chí trực tiếp từ ông Danh. Bị cáo chủ quan trong công tác nghiệp, chứ không phải biết mà cố tình làm.
Không có quy định nào buộc bị cáo buộc phải biết ông Hiệp là Thành viên HĐQT, mặt khác chữ ký của ông Hiệp khác nhau tại 2 văn bản, vậy lấy cái gì để bị cáo nhận biết được. Công ty Phong Hiệp và ông Hiệp là 2 chủ thể khác nhau, ở đây là sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa pháp nhân và cá nhân, theo luật sư.
Bên cạnh đó, việc VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh tại BIDV không vi phạm quy định và trong quá trình đảm bảo tiền vay, BIDV Gia Định nhận thấy công ty Phong Hiệp không thực hiện đúng nghĩa vụ tại luật tín dung, việc tất toán khoản vay là được phép.
Luật sư khẳng định, BIDV không có thu hồi nợ theo hợp đồng cầm cố như cáo trạng. Việc đánh đồng chung thu hồi nợ từ tài khoản VNCB là không đúng, do đó, bị cáo không liên quan đến thiệt hại của VNCB.
Luật sư cho rằng không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo là đồng phạm giúp sức cho ông Phạm Công Danh về tội cố ý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Bảo
Bị cáo xin HĐXX xem xét vì việc này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bị cáo.
Các bị cáo trong phiên tòa hôm nay. (Ảnh: PV) |
9h45: Luật sư Thúy Chi bào chữa cho bị cáo Sơn
Như hai luật sư trên, luật sư cũng cho rằng hành vi của bị cáo không vi phạm khoản 3, Điều 126 Luật các TCTD năm 2010. Luật sư khẩn thiết đề nghị VKS làm rõ quan điểm này trong phiên tòa này.
Luật sư cho biết ông Danh khai không hề cho bất cứ ai tại BIDV biết việc vay vốn để tăng vốn điều lệ chứ không phải là gói mua 4 nhà. Việc 2 chữ ký của bị cáo Hiệp rất khó phát hiện.
Do đó VKS xác định hành vi của Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo đã tạo điều kiện để Phạm Công Danh có được tiền sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB 337 tỷ đồng là không chính xác.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất của vụ án, tuyên án vô tội đối với bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 165 BLHS, vai trò giúp sức cho Phạm Công Danh và các đồng phạm khác.
Bị cáo Sơn
Bị cáo hoàn toàn đồng ý với lời bào chữa của các luật sư, đồng thời trình bày hoàn cảnh gia đình, xuất thân. Bị cáo không có ý kiến bổ sung.
9h30: Luật sư Hoàng Thị Thu bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn
Luật sư không đồng ý với cáo buộc của VKS. Luật sư cho rằng bị cáo không vi phạm khoản 3, Điều 126 Luật các TCTD năm 2010.
Thứ nhất, nội dung điều luật quy định bắt buộc là, tổ chức tín dụng không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng là Thành viên HĐQT. Thứ hai, bị cáo không quen ông Danh, bàn bạc với ông Danh. Thứ 3, việc thu nợ trước hạn của BIDV là đúng quy định pháp luật cho nên không có việc bị cáo vi phạm quy định cho vay.
9h00: Luật sư Minh Sơn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên trưởng phòng khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định)
Luật sư cho rằng việc đề xuất bị cáo mức án treo là nhẹ nhưng hành vi của bị cáo không cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngân hàng BIDV cho vay công ty Phong Hiệp là một pháp nhân, không có chứng cứ chứng minh là cá nhân ông Trần Hiệp. Khi hồ sơ được giao về phòng Khách hàng doanh nghiệp do Nguyễn Ngọc Sơn làm trưởng phòng. Khi xem xét, nếu thấy hồ sơ là cá nhân của ông Trần Hiệp thì hồ sơ sẽ chuyển về bên tín dụng cá nhân. Từ đó cho thấy, BIDV chi nhánh Gia Định cho công ty Phong Hiệp vay là 1 pháp nhân chứ không phải cá nhân. Công ty Phong Hiệp không phải công ty góp vốn của VNCB, ông Hiệp cũng không phải cổ đông của VNCB mà chỉ là Thành viên HĐQT nên công ty Phong Hiệp không thuộc trường hợp bị cấm vay vốn.
Kết luận cáo trạng cho hay, khi thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quyết định cấp tín dụng, giải ngân cho Công ty Phong Hiệp của Trần Hiệp vay 430 tỷ đồng, thì Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo biết rõ VNCB bảo lãnh cho Trần Hiệp (thành viên HĐQT VNCB) vay tiền tại BIDV là vi phạm khoản 3, Điều 126 Luật các TCTD năm 2010. Nội dung điều luật quy định bắt buộc là: tổ chức tín dụng không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho đối tượng là Thành viên HĐQT... Như vậy là không có căn cứ, theo luật sư.
Như vậy, BIDV cho công ty Phong Hiệp vay chứ không phải ông Hiệp; và VNCB bảo lãnh cho Công ty Phong Hiệp chứ không phải ông Hiệp. Ông Trần Hiệp đại diện cho công ty nhưng tài sản của ông tách biệt với công ty Phong Hiệp. Nếu quy kết như cáo trạng thì đã đánh đồng cá nhân ông Hiệp chính là Công ty Phong Hiệp. Từ phân tích trên, bị cáo không vi phạm tội cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cáo buộc bị cáo Sơn là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh là không chính xác, theo luật sư. Luật sư cho biết, bị cáo Sơn không biết ông Danh, không bàn bạc làm việc. Bị cáo không biết công ty Phong Hiệp do ông Danh lập ra do đó không có sự tiếp nhận ý chí từ ông Phạm Công Danh hay người nào khác.
Theo luật sư, cáo trạng cho rằng công ty Phong Hiệp không trả hết nợ, BIDV đã thu nợ từ tài khoản VNCB là không chính xác. Theo tìm hiểu, BIDV thu nợ từ tài khoản công ty Phong Hiệp, điều này là hoàn toàn hợp pháp.
Việc VNCB dùng tiền gửi đưa cho công ty Phong Hiệp trả, BIDV không biết có hay không, cho nên cáo buộc BIDV gây thiệt hại cho VNCB là không chính xác.
Luật sư đề nghị HĐXX công tâm, đánh giá đúng bản chất của sự việc, không để bị cáo bị oan.
8:40: Phiên tòa bắt đầu, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Long Hà
Luật sư không đồng ý với cáo trạng của VKS buộc tội bị cáo Hoàng Long Hà. Bị cáo không hề hưởng lợi, thực hiện đúng quy trình cho vay BIDV, không có bất cứ hành vi nào cố ý cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng.
Đồng thời Công ty Phong Hiệp đã trả khoản vay tại BIDV, không gây thiêt hại cho BIDV như kết luận giám định của NHNN. Lời khai của bị cáo Hiệp tại phiên tòa có sự thay đổi chữ ký. Hơn nữa việc vay vốn là pháp nhân Công ty Phong Hiệp chứ không phải là ông Hiệp.
Luật sư mong muốn HĐXX có nhìn nhận một cách thận trọng, cụ thể, khách quan hơn để bị cáo Hoàng Long Hà nhận được bản án tâm phục khẩu phục. Hơn nữa, việc thu tiền lãi và gốc từ tài khoản công ty Phong Hiệp chứ không phải từ tài sản cầm cố của VNCB tại BIDV.
Về nhân thân của bị cáo, gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích trong ngành ngân hàng… cho nên bị cáo ý thức về hành vi của mình. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bản án vô tội về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Hà
Bị cáo mong HĐXX xem xét lại bối cảnh khoản vay tại Công ty Phong Hiệp, xem xét khoản vay sai ở đâu, sai như thế nào. Bị cáo có thừa nhận việc cho vay công ty phong Hiệp vi phạm khoản 3 điều 126 luật TCTD, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng. Theo bị cáo, lỗi của bị cáo là tại nạn nghề nghiệp. Từ việc phân chia hồ sơ ngẫu nhiên, tới việc ông Phạm Công Danh làm giả 11 công ty nhưng đến công ty Phong Hiệp theo bị cáo là vừa giả vừa thật, từ 3 điểm đó đã dẫn đến tai nạn nghề nghiệp của bị cáo.
Tắt tóm phiên tòa Phạm Công Danh chiều 25/1:
Ngày 25/1, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng đã đi được hơn nửa chặng đường với phần bào chữa của luật sư đối với nhóm các bị cáo từng là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Định (BIDV Gia Định) cùng các bị cáo ở Quỹ Lộc Việt và TPBank.
Phiên tòa Phạm Công Danh |
Tại phiên tòa, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi bào chữa cho bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc B1DV Chi nhánh Gia Định) đã nêu ra những luận điểm, chứng cứ để bào chữa và yêu cầu HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội "Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo luật sư, từ bối cảnh và cách phê duyệt chủ trương trên thì rõ ràng BIDV Gia Định tiếp nhận hồ sơ tín dụng là thực hiện theo chỉ đạo. VNCB hay Công ty Phong Hiệp không phải là đối tác hay khách hàng do chính chi nhánh Gia Định chủ động tìm và triển khai như các quy trình hợp đồng thông thường khác. Chính yếu tố này, luật sư đề nghị HĐXX đánh giá bị cáo Hà tiếp nhận hồ sơ, thực hiện chủ trương và phê duyệt của hội sở dưới sự giới thiệu của VNCB, ông Hà hoàn tòan không chủ động và không có động cơ tư lợi nào khác.
Một vấn đề chưa được cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá thấu đáo và thu thập trong quá trình điều tra mà chỉ có tại phần xét hỏi của HĐXX cũng như của luật sư thì ông Hà mới có điều kiện để trình bày. Ông Hà khẳng định rằng ông không hề phê duyệt khoản vay 325 tỉ đồng đối với Công ty Phong Hiệp dưới hình thức bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB nhưng chưa đủ điều kiện cho vay là thiếu chữ ký người thẩm định theo Thông tư 28 của Ngân hàng Nhà Nước.
Ngoài ra, trong phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng TPBank) thể hiện quan điểm không đồng tình với cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát về tội danh của bị cáo.
Theo luật sư, cáo trạng xác định rằng bị cáo Cường thống nhất với bị cáo Đặng Thị Bích Thủy là phó giám đốc khối KHDN về việc cho 11 công ty vay tiền. Theo luật sư thì bị cáo Cường không có hành vi thống nhất ở đây. Bị cáo đã làm đúng với quy trình, quy chế của ngân hàng Tiên Phong. Bị cáo sau khi nhận tờ trình từ các cấp lên theo quy trình tín dụng thì đã tổ chức thực hiện việc cho vay. Bị cáo cũng đã trình các bộ hồ sơ tín dụng lên hội đồng tín dụng cấp cao quyết định cho vay.
Như vậy, việc cáo trạng quy kết việc Đinh Việt Cường đã có hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh là không có cơ sở. Ngoài ra, sau khi Đinh Việt Cường trình hồ sơ lên thì hội đồng thẩm định tín dụng không nhận ra rủi ro và cho vay thì không đủ bằng chứng quy kết bị cáo Cường là cố ý làm trái.
Luật sư cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đinh Việt Cường có trao đổi, thỏa thuận với Phạm Công Danh. Theo luật sư thì việc Đinh Việt Cường thực hiện ký ủy nhiệm chi cũng trên cơ sở hội đồng tín dụng đã phê duyệt.