Xét xử Phạm Công Danh chiều 23/1: Luật sư đề nghị thu hồi 600 tỷ đồng từ 4 công ty
17h10: Tòa nghỉ
17h00: Luật sư Hữu Tài bào chữa cho bị cáo Nhàn, Duyên
Luật sư mong HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ của 2 bị cáo vì hai bị cáo này không có thu lợi bất chính từ khoản tiền liên đới.
Bị cáo Nhàn không ý kiến có bào chữa bổ sung.
Bị cáo Duyên mong HĐXX thu lại dòng tiền vi phạm trong vụ án, để giảm nhẹ tội cho bị cáo.
16h50: Phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo là giám đốc "bù nhìn" (Cao Phước Nhàn, Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Quốc Phú)
Luật sư Hoài cho biết ba bị cáo đều là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Ba bị cáo không điều hành, quản lý tài sản nào của công ty bù nhìn. Vì hoàn cảnh gia đình, các bị cáo thực hiện theo chỉ đạo. Họ không sử dụng số tiền vay được tại BIDV. Luật sư cho rằng 3 công ty trên hoàn toàn không gây thiệt hại cho BIDV.
Luật sư xin cho ba bị cáo hưởng mức án thấp nhất do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có công với cách mạng, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo,...
Bị cáo Phú xin xem xét cho bị cáo và không có bổ sung.
16h30: Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường
Bị cáo Mạnh cường xin HĐXX xem xét cho hoàn cảnh gia đình.
16h10: Tòa tiếp tục làm việc, luật sư Nguyễn Duy bào chữa cho bị cáo Phan Minh Tùng
Luật sư Nguyễn Duy |
Trong cáo trạng, bị cáo Tùng bị truy tố về các hành vi liên quan đến lập báo cáo tài chính, là người tiếp xúc không phải là người thực hành. Các đồng phạm khác không chịu trách nhiệm hình sự vượt quá của người thực hành nên luật sư yêu cầu HĐXX chỉ xem xét hành vi của bị cáo Tùng về báo cáo tài chính tại Sacombank, không xem xét các hành vi khác.
Trong xuyên suốt vụ án, mặc dù Tùng thừa nhận làm báo cáo tài chính 2 hồ sơ, nhưng căn cứ vào tài liệu điều tra thì xác định bị cáo Tùng lập 6 hồ sơ. Chúng tôi không thấy có căn cứ, chứng cứ nào chứng minh Tùng đã là các báo cáo tài chính mà chỉ qua lời khai. Có lời khai của Khương và Viễn:
- Lời khai của Viễn: giữa Viễn và Tùng không có quan hệ cấp trên cấp dưới, không chỉ đạo tùng làm báo cáo tài chính
- Lời khai của Khương: chưa thấy chi tiết nào lời khai của Khương là ông Tùng lập 6 hồ sơ vay vốn tại Sacombank mà chỉ nói nhờ thành lập các báo cáo tài chính. Tại tòa, Khương nói nhờ Tùng thành lập 6 hồ sơ, nhưng Tùng chỉ nhận làm 2 hồ sơ, nhưng chỉ làm báo cáo số liệu cho 2 công ty Nhất Nhất Vinh, công ty Quốc Thắng. Sau đó, Khương có khai nhận đã chỉnh sửa 12 hồ sơ. Luật sư không muốn làm xấu đi tình trạng của các bị cáo khác nhưng đó là thực tế khách quan, lời khai của ông Khương không đủ căn cứ thể hiện Tùng thành lập báo cáo tài chính của cả 6 công ty.
Luật sư mong HĐXX xem xét thu hẹp lại đối với hành vi của bị cáo Tùng. Luật sư Duy cũng cho rằng, tại sao vụ án lại chia làm 2 giai đoạn khi cùng 1 hành vi, nên đề nghị HĐXX bóc tách thiệt hại bị cáo Tùng gây ra.
Bị cáo Tùng cho biết bản thân chỉ là người tiếp xúc, không hề giúp sức tích cực, đề nghị HĐXX xem xét lại mức án. Bị cáo mong HĐXX xem xét thu hồi 4.500 tỷ đồng để bù đắp thiệt hại, khoản tiền 600 tỷ đồng của bà Phấn, 400 tỷ đồng từ bà Bích, ông Qúi Thanh.
15h45: Tòa nghỉ giải lao
15h10: Luật sư bào chữa cho bị cáo Viễn
Luật sư hoàn toàn đồng ý với VKS về nội dung tại hai ngân hàng nhưng không đồng ý với vai trò của bị cáo Viễn. Luật sư cũng không đồng ý với mức án 6 - 7 năm cho bị cáo Viễn.
Về vấn đề lập khống hồ sơ, cáo trạng cáo buộc bị cáo Viễn lập khống. Theo bị cáo Viễn khai nhận, các đề nghị vay vốn và phương án kinh doanh đều có sẵn trong mẫu. Nội dung lập ra, giấy đề nghị là do Phan Minh Tùng, phương án kinh doanh do Phan Minh Tùng hoàn thiện, căn bản là thông tin đã có sẵn, bị cáo Viễn chỉ như 1 người đánh máy và người điền thông tin. Hồ sơ sau khi hoàn thiện thì cũng không phải do bị cáo Viễn mang ra, không tham gia vào việc giải ngân của các ngân hàng. Theo cáo trạng tại trang 93, VKS cáo buộc bị cáo viễn tham gia họp bàn, thống nhất làm hồ sơ vay vốn của các công ty tại các ngân hàng. Theo luật sư, cáo buộc này không hề có căn cứ.
Theo luật sư Viễn thì các hành vi VKS buộc tội không phù hợp vì bị cáo Viễn mang hồ sơ đi, hồ sơ cũng là hồ sơ pháp nhân và phân sơ bộ nhu cầu vay vốn của 6 công ty chứ không phải hồ sơ vay vốn tín dụng.
Luật sư cũng khẳng định rằng, tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Viễn đã khẳng định không ký những nghị quyết Hội đồng quản trị liên quan đến việc dùng tiền gửi của VNCB để bảo lãnh, cấp tín dụng trái pháp luật cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn tại Sacombank và BIDV.
Luật sư cũng khẳng định là hồ sơ do bị cáo Khương mang ra chứ bị cáo Viễn không tham gia ký kết các bản nghị quyết thông qua cho vay. Việc biên bản có tên tham gia không có ý nghĩa gì cả vì bị cáo Viễn không tham gia bàn thảo hay ký biên bản gì cả.
Luật sư cho rằng, bị cáo Viễn mong muốn cho ngân hàng sớm tăng vốn điều lệ, vượt quá khó khăn, không có gì tư lợi. Mong HĐXX xem xét với vai trò này của bị cáo và thu hồi tiền tại 2 ngân hàng BIDV, Sacombank để bù đắp thiệt hại.
Luật sư nêu hoàn cảnh gia đình bị cáo, có công với cách mạng... mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ tội danh.
Hành vi của bị cáo Viễn năm 2013 trùng với giai đoạn 1, do đó mức án 6 - 7 năm là quá cao, nặng nề. Đây là điều bất lợi khi tách vụ án thành 2 giai đoạn, luật sư cho biết.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét đưa ra mức án thấp hơn với mức đề nghị của VKS để cho được tính khách quan, niềm tin vào cuộc sống, có cơ hội chăm sóc gia đình.
Bị cáo Viễn cảm ơn HĐXX, VKS, luật sư bào chữa. Về hành vi của bị cáo, bị cáo mong HĐXX xem xét. Về nguồn tiền sai phạm, mong hĐXX thu hồi các khoản tiền 4.500 tỷ đồng, 600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn và một số nguồn khác để khắc phục hậu quả cho vụ án này.
14h30: Phiên tòa bắt đầu, luật sư Hoài Nam bào chữa bị cáo Hoàng Đình Quyết
Luật sư Hoài Nam |
Luật sư cho biết bị cáo Quyết lập 4 hồ sơ vay vốn của 4 công ty Thịnh Phát, Đại Phát, Lộc Hà, Long Khánh vay 620 tỷ đồng. Dòng tiền này thông qua ủy thác tại Quỹ Lộc Việt, sau đó chuyển về cho Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh. Theo luật sư, vai trò của bị cáo Quyết trong các hành vi sai phạm thuộc phạm vi vụ án là rất mờ nhạt. Bị cáo Quyết chủ yếu làm theo chỉ đạo, chủ trương của cấp trên đã phê duyệt và không được hưởng lợi gì từ hành vi.
Luật sư mong HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét tuyên bị cáo Quyết mức án khoan hồng. Số tiền hơn 600 tỷ đồng vay được từ 4 công ty có đường đi rõ ràng, Quyết không sử dụng vào mục đích cá nhân. Luật sư đề nghị HĐXX tuyên thu hồi khoản tiền này để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bị cáo Quyết cảm ơn 2 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Bị cáo cảm thấy có lỗi với người thân, gia đình, đồng nghiệp và bản thân mình. Nguồn tiền 600 tỷ đồng đã chuyển cho bà Phấn, mong HĐXX xem xét thu hồi. Số tiền 194 tỷ đồng và một số nguồn tiền khác được xem là bằng chứng vụ án, bị cáo Quyết cũng mong HĐXX truy thu tiền để bù đắp thiệt hại.
Tóm tắt phiên tòa Phạm Công Danh sáng 23/1
Theo luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Mai, bị cáo Mai chỉ là người làm công ăn lương.
Vị luật sư nêu những thành tích, cống hiến của bị cáo Mai trong quá khứ. Và cho rằng đây tình tiết giảm nhẹ trong bộ luật hình sự 2015. "Nếu Phan Thành Mai cố tình gây thiệt hại, thì tôi không có gì để nói", luật sư cho hay.
Vị luật sư cho rằng, việc tách vụ án thành 2 giai đoạn, gây bất lợi cho bị cáo. Luật sư đọc những lời nhắn nhủ của gia đình bị cáo Mai và mong rằng bị cáo Mai cải tạo thật tốt, sớm về với gia đình.
Còn Luật sư Thanh Vân thì cho rằng bị cáo Mai bị sức ép lớn từ khi đảm nhận vai trò tại Ngân hàng Đại Tín. Đứng trước nguy cơ sống còn của ngân hàng bị cáo Mai đã phải lựa chọn để giúp cứu Ngân hàng Đại Tín.
Luật sư đề nghị HĐXX và VKS xem xét yếu tố khách quan dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Việc chi 4.500 tỷ đồng dành cho hoạt động kinh doanh bình thường của VNCB chứ không phải cá nhân ông Danh hay ông Mai.
"Tôi đề nghị cấn trừ 4.500 tỷ đồng ra khỏi 6.126 tỷ đồng thiệt hại để giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo", luật sư nêu quan điểm.
Bị cáo Phan Thành Mai |
Tự bào chữa cho mình, ông Phan Thành Mai cho biết, không hiểu số liệu về khoản âm vốn điều lệ của VNCB vì theo ông nhớ con số cuối cùng có sự khác biệt lớn. Ngoài ra, còn nhiều khoản treo từ thời của bị cáo lại không thấy trong số liệu…
Bên cạnh đó, có số tiền gửi trên thị trường 2, bị cáo cũng thấy số liệu khác với số liệu bị cáo được biết trước đó. "Bị cáo khó hiểu vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy. Các khoản lỗ tiếp sau thì không phải do bị cáo", Mai nói.
Về khoản tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, bị cáo Mai cho rằng số tiền đó đã quay về Ngân hàng Xây dựng và nếu không trả về cho cổ đông thì cần phải làm rõ vì nó đã ở trong Ngân hàng Xây dựng chứ không ở đâu khác.
Về khoản vay tại TPBank, bị cáo Mai khai báo rằng lúc đó VNCB có ý định đầu tư trái phiếu. Bị cáo nghĩ rằng lúc đó đầu tư trái phiếu sẽ mang lại lợi ích cho ngân hàng.
Còn khoản tại BIDV thì do lúc đó VNCB chưa được tăng trưởng tín dụng nên mới sử dụng phương án để BIDV cho vay các doanh nghiệp.
Bị cáo Mai tiếp tục xin HĐXX xem xét cho các bị cáo ở các ngân hàng khác, bị cáo ở các công ty thành viên khác do họ vô tình mà phạm tội, họ không biết câu chuyện thực ở VNCB.
Ngoài ra, tại phiên tòa, luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Phạm Việt Thép (nguyên Giám đốc Công ty An Phát) thay mặt gia định bị cáo cảm ơn HĐXX đã kết luận chính xác về hành vi phạm tội của bị cáo Thép.
Theo luật sư, bị cáo Thép được hưởng 4 tình tiết giảm nhẹ. Do đó luật sư đề nghị HĐXX áp dung mức hình sự thấp nhất đối với bị cáo Thép.