|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xe điện Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện tại nước ngoài

14:00 | 04/03/2023
Chia sẻ
Các công ty xe điện Trung Quốc như BYD, Nio, Xpeng,... đang tăng cường đăng ký và xuất khẩu xe điện ra nước ngoài. Theo chia sẻ, người dùng yêu thích xe điện Trung Quốc bởi một số lý do như giá cả phải chăng và các công ty có tốc độ giao hàng nhanh.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang ngày càng mở rộng dấu ấn ra nước ngoài, trong đó dẫn đầu là gã khổng lồ BYD Co. do Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn. Những công ty xe điện Trung Quốc đã tung ra hàng chục mẫu xe mang thương hiệu riêng tại ít nhất 16 quốc gia trong hai năm qua, bao gồm cả ở các nền kinh tế lớn tại Bắc và Tây Âu, theo Wall Street Journal.

BYD, đối thủ lớn của Tesla trên thị trường xe điện, đã sẵn sàng để mang nhiều mẫu xe hơn đến Australia, New Zealand, Vương quốc Anh và Bỉ trong năm nay. Một số đại lý và người mua ở nước ngoài cho biết họ bị thu hút bởi ô tô điện Trung Quốc có giá cả phải chăng, được trang bị nhiều tính năng sáng tạo và các công ty có tốc độ giao hàng nhanh.

Cho đến nay, việc xuất khẩu xe điện mang thương hiệu Trung Quốc sang châu Âu vẫn còn nhỏ giọt và họ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời đang tăng tốc phát triển mảng xe điện của riêng họ và các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với những vấn riêng đề ở nước ngoài.

NIO, một startup xe điện nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết họ sẽ ra mắt tại Mỹ vào năm 2025. Các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào cho thị trường Mỹ, nơi thị phần xe điện thấp hơn ở châu Âu.

Các thương hiệu mở rộng sự hiện diện ra nước ngoài

Tại Trung Quốc, gần 80% xe điện bán ra vào năm 2022 là do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất. Xe Tesla chiếm khoảng 15% thị phần và phần còn lại được sản xuất bởi các thương hiệu nước ngoài khác trong các liên doanh.

Các chính sách trợ cấp và ưu đãi của chính phủ Trung Quốc trong thập kỷ qua đã mang lại lợi ích cho cả các nhà sản xuất xe điện trong và ngoài nước ở Trung Quốc, qua đó giúp họ giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán niêm yết và đưa các công ty Trung Quốc đi đầu trong công nghệ xe điện.

Các thương hiệu đã bắt đầu xuất khẩu ô tô điện, bao gồm các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc như Nio và Xpeng cũng như Hongqi, được người dân địa phương gọi là “Rolls-Royce Trung Quốc”. Hongqi là một thương hiệu thuộc nhà sản xuất ô tô nhà nước FAW Group Co.

Hongqi, thương hiệu xe điện được mệnh danh là "Rolls-Royce Trung Quốc". (Ảnh: WSJ).

Các thương hiệu tung ra các mẫu xe mới với các tiện ích và tính năng được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tại thị trường đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Họ cũng có thể mở rộng quy mô nhanh chóng khi có ít nhất 10 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã sản xuất hơn 100.000 xe điện hoặc xe hybrid vào năm ngoái.

Tại Đức, Hedin Mobility Group AB, một trong những đại lý lớn nhất châu Âu, tháng 8 năm ngoái đã ký một thỏa thuận với BYD để phân phối ba mẫu xe của họ tại quốc gia này. Lars Pauly, giám đốc điều hành bộ phận phương tiện di chuyển bằng điẹn của Hedin, cho biết đại lý muốn hợp tác cùng một nhà sản xuất chất lượng và có thể giao hàng với số lượng lớn.

Andreas Knipp, người đứng đầu bộ phận bán hàng của BYD tại Tập đoàn Senger, cho biết: “Xe điện của BYD đã được sản xuất sẵn và đang trên đường đến các cảng châu Âu khi có đơn đặt hàng, trong khi xe điện do châu Âu sản xuất thường mất từ 6 tháng đến hai năm trước khi đến tay khách hàng”.

Xe điện Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa phát triển

Theo Bernstein Research, xe điện và xe hybrid chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái, và là phân khúc phát triển nhanh nhất. Con số này cao hơn 89% so với năm 2021, đồng thời cũng cao hơn so với mức tăng 50% của các phương tiện chạy bằng khí đốt, theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.

Xuất khẩu xe điện của Trung Quốc hiện đang bị chi phối bởi các thương hiệu nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc, chẳng hạn như Tesla và thương hiệu MG một thời của Anh, hiện thuộc sở hữu của SAIC Motor Corp., nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu của quốc gia.

Tesla vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Trung Quốc. (Ảnh: WSJ).

Xe xăng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng xuất khẩu ô tô chở khách ra toàn cầu của Trung Quốc, đạt khoảng 2,67 triệu chiếc vào năm ngoái, cạnh tranh trực tiếp với Đức, theo dữ liệu từ các hiệp hội ô tô tương ứng của các quốc gia, mặc dù con số này vẫn xếp sau Nhật Bản.

Các thương hiệu Trung Quốc mới chiếm khoảng 5% thị trường xe điện châu Âu vào năm ngoái và có thể đạt 15% vào năm 2025, theo Fitch Solutions. Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, các thương hiệu xe điện bán chạy nhất ở châu Âu là Tesla và Volkswagen.

Các nhà phân tích tại Bernstein Research cho biết các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất nhiều hơn hàng triệu xe so với lượng có thể bán trong nước vào năm 2025, qua đó thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô bán xe nhiều hơn ở nước ngoài.

Tại Na Uy, nơi 8/10 ô tô bán ra vào năm 2022 là xe điện, 5 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã đăng ký gần 7.000 xe điện vào năm ngoái, chiếm khoảng 5% tổng số xe điện đăng ký của cả nước, mặc dù vẫn kém xa so với con số 22.000 xe của Tesla, loại xe điện phổ biến nhất tại quốc gia này.

Anh Nguyễn