Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Doanh nghiệp chưa nhận thức đúng
Tuy nhiên, người tiêu dùng nước ngoài chưa có nhiều khái niệm về các sản phẩm mang thương hiệu Việt, bởi chúng ta chủ yếu xuất khẩu qua trung gian hoặc xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô. Điều đó khiến tầm vóc và giá trị gia tăng của sản phẩm Việt chưa cao.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Cái nhìn từ chính sách và thực tiễn" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 18/12, các chuyên gia, nhà quản lý, DN đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề này.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. |
Mới quan tâm tới đăng ký thương hiệu
Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thực phẩm ĐTK (Hà Nội) là một trong những DN tiên phong trên thị trường sản xuất trứng gà sạch, trứng gà dinh dưỡng cung cấp cho các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, trường học... Hiện tại, Công ty đã đầu tư một nhà máy 800 tỷ sản xuất trứng gà sạch tại tỉnh Phú Thọ với công suất 175 triệu quả trứng/năm, chăn nuôi theo mô hình sinh học, tự động, cách ly với nguồn dịch bệnh, đảm bảo quả trứng không chỉ sạch vỏ mà còn sạch lòng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân Hương – Giám đốc Điều hành Công ty, mặc dù DN đáp ứng mọi tiêu chuẩn cao nhất, thậm chí được đối tác nước ngoài đánh giá rất tốt nhưng ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm trứng gà sạch. Điều đó dẫn đến sản phẩm của Công ty khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường do giá bán cao hơn. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tuy nhiên ngân sách dành cho hoạt động này còn hạn hẹp và gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc Ideal Foods Việt Nam cho biết, hạn chế của cá nhân DN và các DN nhỏ và vừa trong việc xây dựng thương hiệu là các chủ DN chưa có sự hiểu biết xác đáng về việc xây dựng thương hiệu. Vẫn còn tình trạng mơ hồ, chưa triển khai được từ mong muốn thành hành động cụ thể. Mặt khác, bà Thu cho rằng, các chi phí cho xây dựng thương hiệu chưa được các DN nhỏ và vừa coi là các khoản đầu tư mà chỉ coi là những chi phí đơn thuần nên dễ cắt giảm. Ngoài ra, đa phần các DN thực phẩm đã có ý thức xây dựng thương hiệu nhưng chưa khai thác được. Do đó, muốn khai thác hiệu quả, cần giúp DN tăng sự hiểu biết và đồng bộ trong hành động.
Theo ông Lê Tất Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, việc đăng ký thương hiệu thực phẩm được DN quan tâm và tiến hành từ rất sớm, mỗi năm có hàng nghìn DN đăng ký thương hiệu. Đặc biệt, từ năm 2015 trở lại đây, Chính phủ đã ban hành các chương trình hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, tập trung vào các đặc sản địa phương như trái cây, đồ uống, nước chấm… Ở nước ta, đã có những DN đăng ký thương hiệu tại nước ngoài từ những năm 1986. Tuy nhiên, các DN chỉ tập trung đăng ký nhiều hơn mà chưa quan tâm đến việc khai thác và quản lý thương hiệu.
Ông Lê Tất Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN. |
"Đặc sản địa phương hiện đang bị mai một dần do quản lý chưa tốt. Việc phối hợp đồng thuận giữa người dân và DN tại địa phương tạo ra thương hiệu mạnh vẫn ở mức độ yếu. Chúng ta cần DN đầu tàu, chủ lực cho 1 lĩnh vực ngành hàng để kéo các DN nhỏ, chú trọng hơn trong việc tận dụng thế mạnh từ việc đăng ký thương hiệu" - ông Chiến nói.
Cần quan tâm tới khai thác, quản lý
Thực tế, một thương hiệu mạnh có nhiều yếu tố tác động như: Nội lực của DN mạnh, sự chung tay của cơ quan nhà nước. Để hỗ trợ các DN trong việc xây dựng thương hiệu, những năm gần dây, Chính phủ đã có nhiều chương trình, đề án trong lĩnh vực này nhằm giúp đỡ các địa phương, DN.
Theo ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương, thực hiện giai đoạn 3 của chương trình Thương hiệu quốc gia, Cục XTTM đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án thương hiệu thực phẩm 2025 tầm nhìn 2030. Đề án sẽ xây dựng hệ thống tiêu chí liên quan đến thương hiệu và quảng bá truyền thông ngành hàng thực phẩm Việt thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế. Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước, thông qua các hệ thống thương vụ này sẽ quảng bá thương hiệu thực phẩm liên quan, vừa quảng bá sản phẩm vừa kết nối với đối tác tiềm năng; đồng thời thực hành giao dịch thương mại, tư vấn các quy định của các nước sở tại liên quan đến ngành hàng mà doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Chiến, Việt Nam còn nhiều ngành hàng như trứng, cần có quy trình để DN thực hiện đảm bảo việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng. Còn liên quan đến DN sản xuất thì tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí tiên quyết. Cuộc cách mạng 4.0 đang đưa ra nhiều giải pháp cho việc truy xuất nguồn gốc nói riêng và công nghệ trong ngành thực phẩm nói chung. Khi mã hóa toàn bộ, sản phẩm xuất đi nước ngoài đều được minh bạch thông tin. Hiện rất ít DN Việt hình dung và áp dụng được. Tuy nhiên, đây là xu thế chung của thế giới, chúng ta cần làm để nâng cao giá trị thực phẩm Việt.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương |
Ở góc độ quản lý, ông Lê Tất Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, năm vừa qua, Cục đã quan tâm tới việc nâng cao kiến thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu, quản trị các tài sản sở hữu trí tuệ cho DN nói chung và DN thực phẩm nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, việc quản trị, khai thác nhãn hiệu đối với DN cũng hết sức quan trọng.
Ông Lê Tất Chiến cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường công tác quản lý bằng cách tập trung vào các mục tiêu, như: Hỗ trợ DN khai thác, đăng ký bằng sáng chế, bảo hộ cho thương hiệu; tập trung bảo hộ sản phẩm Quốc gia, có thế mạnh xuất khẩu; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ, tem nhãn, chống giả, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ DN sử dụng công cụ quản lý sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực, thực thi đảm bảo hiệu quả công tác sử dụng thương hiệu nói chung, nhãn hiệu nói riêng; sẵn sàng đến tận nơi hỗ trợ từng DN quản trị thương hiệu.
“Xây dựng thương hiệu là quá trình lâu dài. Việc xây dựng thương hiệu thực phẩm cần được bắt đầu từ tư duy của DN. Cục và Bộ chỉ có thể hỗ trợ pháp lý, đào tạo... còn việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu phải được DN nhận thức là quan trọng và đó là câu chuyện lâu dài. Sản xuất của DN có phát triển hay không phụ thuộc vào điều đó.” Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục XTTM – Bộ Công Thương. |
.
Xem thêm |