|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng đặc khu: Cần tư duy cởi mở để chấp nhận những khác biệt

11:40 | 13/11/2017
Chia sẻ
Đã là “đặc biệt” thì phải vượt trội, phải khác biệt, phải cạnh tranh quốc tế, miễn là không trái Hiến pháp. Đó là điều đã được nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định khi thảo luận về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Và bởi vậy, rất cần có tư duy cởi mở để chấp nhận những điều “khác biệt”.

Sớm chốt phương án mô hình chính quyền đặc khu

Không nằm ngoài dự đoán, ngay từ lần đầu tiên Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra Quốc hội, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về phương án tổ chức chính quyền địa phương ở các đặc khu. Đã có hai phương án đề xuất và trước đó, do còn nhiều ý kiến khác nên Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi đọc báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật đã đề nghị Quốc hội “xem xét, cho ý kiến”.

Không phải là không còn những ý kiến trái chiều, song sau trình bày Tờ trình Dự thảo Luật của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với phương án tổ chức chính quyền đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND và UBND, mà thực hiện thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính. Đây cũng chính là phương án ưu tiên lựa chọn của Chính phủ, thay vì phương án 2 là tổ chức chính quyền đặc khu có HĐND và UBND nhưng chỉ ở một cấp.

xay dung dac khu can tu duy coi mo de chap nhan nhung khac biet

Vân Đồn - một trong 3 đặc khu kinh tế đang chờ Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ban hành để kêu gọi đầu tư phát triển.

“Phương án 1 là tối ưu. Phương án 2, nếu thực hiện sẽ không tạo được sự đột phá”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đã nói như vậy.

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) mặc dù cho rằng, chưa thực hiện thì chưa biết “áo rộng thế nào là vừa”, song cũng đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ đề xuất. Lý do là vì, việc trao thẩm quyền cho Trưởng đơn vị sẽ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải cách thể chế và tạo điều kiện để dùng người tài.

Còn đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì khẳng định, ông đồng tình với phương án 1, bởi điều này sẽ tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Về tổ chức bộ máy, tôi thiên về phương án 1 để có cơ chế thông thoáng. Nhưng xây dựng mô hình chính quyền như vậy thì phải làm rõ quyền và nghĩa vụ của Trưởng đặc khu và có cơ chế giám sát”, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) nói.

Tất nhiên, đúng như ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, cùng với xây dựng mô hình chính quyền theo hướng không có HĐND và UBND, và trao quyền lớn cho Trưởng đơn vị, thì phải có cơ chế giám sát chặt chẽ. Đây cũng là điều đã được nhấn mạnh rất nhiều kể từ khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến công luận.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khi phân cấp, trao quyền nhiều cho Trưởng đơn vị thì phải có cơ chế giám sát đi kèm. Bởi thế, Ban soạn thảo đã thiết kế trong Dự thảo Luật các cơ chế giám sát cả theo chiều dọc và chiều ngang, từ giám sát của các bộ, ngành Trung ương, tới giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh…

“Nhưng giám sát nhiều quá chưa phải đã hay. Nên có cơ chế giám sát tập trung, có một bộ phận xem xét các văn bản quy phạm pháp luật mà Trưởng đơn vị ban hành, nếu có vấn đề thì thổi còi ngay”, đại biểu Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh), Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, thì Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV này, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới chỉ được trình ra Quốc hội xem xét, có ý kiến. Tới Kỳ họp thứ 5 sẽ được thông qua và do vậy, ở kỳ họp này phải quyết định một số vấn đề, chẳng hạn mô hình tổ chức chính quyền theo hướng nào, để từ đó, Ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội vào giữa năm tới.

Tư duy cởi mở là “chìa khóa” thành công

Có một điều luôn được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một luật khó, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của Việt Nam. Thêm nữa, nhiều đề xuất về thể chế, chính sách trong Dự thảo Luật là vượt trội so với các quy định pháp luật hiện tại, thậm chí còn được coi là trên các luật khác. Do vậy, thành công của luật này phụ thuộc vào việc tư duy có cởi mở hay không.

Cởi mở để chấp nhận các khác biệt, đột phá về mô hình tổ chức chính quyền. Cởi mở để chấp nhận hàng loạt đề xuất vượt trội liên quan đến các chính sách kinh tế - xã hội, bao gồm cả các quy định liên quan đến tiếp cận đất đai, hay xử lý tranh chấp ở tòa án nước ngoài… Cởi mở để chấp nhận một thực tế là nhà đầu tư có một cái quyền rất lớn là quyền “không làm”, và vì thế, phải xây dựng thể chế, chính sách theo hướng “những gì nhà đầu tư cần và chúng ta có thể cho phép”, chứ không phải là “có gì thì cho nhà đầu tư”.

Khẳng định rằng đây là cơ hội tốt để Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng thể chế, chính sách cho việc hình thành và phát triển các đặc khu phải trên quan điểm cùng có lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

“Nên nhớ rằng, lập đặc khu, chúng ta không đi đầu tư, mà là tạo không gian đầu tư mới, một sân chơi mới, tạo thể chế, chính sách cạnh tranh để nhà đầu tư vào đầu tư phát triển các đặc khu thành các cực tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển các đặc khu, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định việc cần sớm xem xét và thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo hành lang pháp lý cho các đặc khu.

“Chúng ta đã quá chậm trong việc hình thành các đặc khu rồi”, đại biểu Đặng Thuần Phong nói. Trong khi đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội một mặt khẳng định mình “tin tưởng vào sự thành công của Dự án Luật”, bởi Chính phủ đã tạo ra thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư, mặt khác nhấn mạnh “nếu chần chừ sẽ mất đi cơ hội”.

“Quảng Ninh đang rất hừng hực, nếu chúng ta tiếp sức được cho họ thì họ sẽ thành công”, đại biểu Trần Hồng Nguyên nói.

Không chỉ Quảng Ninh, mà cả Khánh Hòa, Kiên Giang đều rất kỳ vọng vào sự thành công của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cả ba địa phương này đang hồ hởi trình và đã lần lượt thông qua các đề án thành lập các đặc khu tại tỉnh mình.

“Một số đại biểu băn khoăn, trong khi nguồn lực đầu tư công còn khó khăn thì lại phải đầu tư cho 3 đặc khu này. Nhưng các địa phương, ví như Quảng Ninh không xin kinh phí, họ chỉ xin cơ chế để tạo ra nguồn lực phát triển. Do vậy, phải có thể chế, chính sách đột phá, khác biệt. Chỉ cần không trái Hiến pháp, còn lại tất cả đều có thể xem xét”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

xay dung dac khu can tu duy coi mo de chap nhan nhung khac biet Đảo lớn nhất Việt Nam đã sẵn sàng trở thành đặc khu

Trả lời phóng viên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang – khẳng định đã ...

xay dung dac khu can tu duy coi mo de chap nhan nhung khac biet Đặc khu kinh tế: “Nóng” chuyện casino

Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi cả 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có ...

Nguyên Đức