WHO tin tưởng lợi ích vắc xin Pfizer và Moderna vượt xa nguy cơ biến chứng sau tiêm
Trong thông cáo báo chí ngày 9/7, WHO cho biết các báo cáo về hai tình trạng hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, thường xảy ra trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng, chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi sau khi tiêm liều thứ hai.
"Rất hiếm trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đã được quan sát thấy sau khi tiêm vắc xin mRNA COVID-19", WHO đề cập đến hai loại vắc xin sử dụng công nghệ nêu trên của Pfizer-BioNTech và Moderna.
"Lợi ích của vắc xin mRNA COVID-19 lớn hơn rủi ro trong việc giảm số ca nhập viện và tử vong do nhiễm COVID-19", thông cáo khẳng định thêm.
Dữ liệu hiện có cho thấy viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin "nhìn chung là nhẹ" và có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi hoặc uống thuốc chống viêm không steroid, WHO cho biết.
"Việc theo dõi đang diễn ra để xác định kết quả lâu dài. Những người tiêm chủng cần được hướng dẫn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu họ phát hiện các triệu chứng cho thấy viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim mới khởi phát, đau ngực dai dẳng, khó thở hoặc đánh trống ngực sau khi tiêm phòng", thông cáo cũng nói thêm.
Trước đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã tìm thấy mối liên hệ có thể xảy ra giữa chứng viêm tim rất hiếm gặp và vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng lợi ích của các mũi tiêm này lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.
Vắc xin Moderna (còn có tên khác là Skipevax hay mRNA-1273) là loại vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất theo công nghệ mới sử dụng mRNA cho hiệu quả phòng bệnh lên tới 94.1%.
Cũng sử dụng công nghệ mRNA, dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở những người từ 16 tuổi trở lên, vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả phòng bệnh 95%.