|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

WGC: Giãn cách kéo dài ngăn người dân Việt Nam mua vàng nhưng nhu cầu sẽ bật tăng trong quý IV

07:36 | 03/11/2021
Chia sẻ
Số liệu của WGC cho thấy, do giãn cách kéo dài, nhu cầu vàng trang sức và đầu tư của Việt Nam đều giảm một nửa trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế giới bớt đổ xô mua vàng

Cuối tháng 10, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo nhu cầu vàng quý III/2021, qua đó chỉ ra một số xu hướng đầu tư trên thị trường vàng trong giai đoạn bức tranh kinh tế toàn cầu xuất hiện những mảng sáng, tối khác nhau.

Cụ thể, trong quý III năm nay, giá vàng trung bình đạt khoảng 1.789,5 USD/ounce, thấp hơn một chút so với quý II và sụt 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến của giá vàng tương đối phù hợp với các động lực cung - cầu, môi trường lãi suất và tâm lý của nhà đầu tư.

Nhu cầu vàng trong quý III/2021 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020 xuống còn 831 tấn. Sự sụt giảm này chủ yếu liên quan đến việc một số quỹ ETF tháo chạy khỏi thị trường. Nguồn cung vàng mất 3% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động tái chế vàng đi xuống.

 

WGC cho biết, nhu cầu vàng trang sức, vàng thỏi và đồng xu đã bù đắp phần nào mức sụt giảm nhu cầu của các quỹ ETF vàng. Nhờ triển vọng phục hồi của một số nền kinh tế lớn, vàng trang sức tiếp tục thu hút được lượng lớn khách hàng.

Trong ba tháng tính đến tháng 9 năm nay, nhu cầu vàng trang sức tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái lên 443 tấn; vàng thỏi và đồng xu tăng 18% lên 262 tấn. Nhiều người coi giai đoạn vàng sụt giá trong quý III như một cơ hội để mua vào. Còn nhu cầu vàng của các quỹ ETF giảm khoảng 27 tấn.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) vẫn tiếp tục mua vàng trong quý III năm nay, dù tốc độ chậm hơn các quý trước. Theo đó, dự trữ vàng toàn cầu tăng khoảng 69 tấn trong quý III và gần 400 tấn tính từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, nhu cầu vàng trong các sản phẩm công nghệ nhích khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại quý này lớn nhất thế giới, đạt 157 tấn trong quý III/2021, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm 2020. Theo WGC, giá vàng thấp hơn, cùng thu nhập khả dụng của người dân ổn định hơn đã hỗ trợ nhu cầu vàng của Trung Quốc.

Cùng quý III/2021, nhu cầu vàng trang sức của Ấn Độ, thị trường tiêu thụ lớn thứ hai, bật tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu bị dồn nén trong dịch bệnh được giải phóng, kinh tế phục hồi và giá vàng hạ nhiệt.

Tác động của giãn cách xã hội đến thói quen mua vàng của người Việt

Nhu cầu vàng trang sức bật tăng nhưng vẫn chưa trở lại mức trung bình trước đại dịch, nguyên nhân có thể liên quan đến việc nhiều thị trường như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan bị gián đoạn vì giãn cách xã hội hoặc phong tỏa kéo dài.

Số liệu của WGC chỉ ra, nhu cầu trang sức bằng vàng tại Việt Nam trong quý III vừa qua giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn khoảng 1 tấn. Đây là quý thấp nhất của nước ta kể từ WGC bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2000.

Việc tiêu thụ vàng trang sức bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng COVID thứ 4, khi các cửa hàng bán lẻ trang sức tại TP HCM và các tỉnh miền Nam đóng cửa trong hầu hết quý III.

Dù hoạt động mua bán vàng trực tuyến vẫn phát triển, người dân vẫn ưu tiên đến cửa hàng chọn lựa hơn. Khu vực miền Nam thường chiếm khoảng 60% mạng lưới bán lẻ vàng ở Việt Nam, WGC nhấn mạnh.

Kinh tế suy yếu cũng tác động đến tâm lý mua bán vàng trang sức của người Việt vì áp lực lạm phát và thất nghiệp khiến chi tiêu đầu tư của người dân đi xuống.

Nhu cầu vàng đầu tư tại Việt Nam cũng giảm 50% xuống còn 2 tấn, thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch. Sự sụt giảm này trùng hợp với thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, WGC lưu ý.

Tuy nhiên, cơ quan này dự đoán nhu cầu mua vàng trang sức của Việt Nam sẽ tăng lên trong quý IV, khi tất cả chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn mở cửa trở lại từ ngày 1/10, ngay trước thềm mùa cưới xin và lễ tết cuối năm.

Khả Nhân

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.