|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett vẫn rụt rè về cổ phiếu

17:05 | 17/02/2021
Chia sẻ
Báo cáo được công bố ngày 16/2 báo hiệu rằng Warren Buffett vẫn đang ngần ngại trước cổ phiếu. Berkshire Hathaway đã quay trở lại tích trữ tiền mặt trong lúc tìm cách sống sót trong thị trường bị khuấy đảo bởi đại dịch, định giá cao ngất và sự phẫn nộ của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Warren Buffett hoài nghi về cổ phiếu - Ảnh 1.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Bloomberg).

Các khoản đầu tư của Berkshire trong ba tháng cuối năm 2020 phân tán trên nhiều lĩnh vực, phản ánh sự hỗn loạn và không chắc chắn bao trùm thế giới trong giai đoạn này.

Berkshire tiếp tục bán bớt cổ phiếu ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase và Wells Fargo, tăng sở hữu tại các hãng dược khổng lồ nhưng chia tay với Pfizer, thoái vốn khỏi Apple và đầu tư vào hãng viễn thông Verizon và đại gia xe hơi Chevron.

Trước đó hồi quý III/2020, Berkshire Hathaway dường như có cái nhìn tích cực hơn khi trở lại là người mua ròng cổ phiếu và có vẻ lạc quan về mọi thứ, từ các hãng dược cho đến doanh nghiệp Nhật Bản và cuộc IPO cổ phiếu công nghệ hot nhất năm của Snowflake.

Warren Buffett hoài nghi về cổ phiếu - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, Berkshire dường như đang gắn bó với các công ty có hoạt động kinh doanh rõ ràng (trừ ngân hàng). Tập đoàn công bố khoản đầu tư mới vào T-Mobile và Verizon, cả hai công ty đều tập trung hoàn toàn vào mạng lưới 5G.

Đáng chú ý là AT&T không nằm trong tầm ngắm của Warren Buffett. Nguyên lý mua cổ phiếu của Warren Buffett là gắn với những công ty đơn giản mà ông hiểu rõ. Trong khi đó, công ty viễn thông lớn nhất thế giới này đang phải đương đầu với thách thức từ việc tích hợp Time Warner và cố gắng kiếm tiền từ việc dấn thân vào các ứng dụng stream video với HBO Max.

Lúc đầu, có vẻ như đại dịch sẽ tạo ra điều kiện thị trường thuận lợi cho Warren Buffett. Ông nổi danh là người phát hiện các món hời từ những tài sản không được ưa thích có tiềm năng phục hồi.

Thế nhưng thực tế là định giá cao ngất ngưởng tại một số ngành tiếp tục cản đường Warren Buffett, trong khi đó những ngành khác có vẻ đã thay đổi vĩnh viễn, ví dụ như hàng không.

Trận chiến điên cuồng xoay quanh GameStop gần đây cũng cho thấy thị trường đã xa rời thế nào đối với nhà hiền triết xứ Omaha 90 tuổi. Cổ phiếu Berkshire Hathaway chỉ tăng 8,6% trong 12 tháng qua, kém xa tỷ suất lợi nhuận 18% của chỉ số S&P 500. Tính trong giai đoạn 5 năm và 10 năm, Berkshire cũng tụt hậu so với mặt bằng chung.

Những cổ phiếu sinh lời nhất của Berkshire trong 12 tháng qua là đại diện điển hình cho sự chuyển biến trong danh mục đầu tư của công ty những năm gần đây. Cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc BYD tăng gấp 5 lần, theo sau bởi hãng phần mềm điện toán đám mây Snowflake. Snowflake đã tăng hơn 200% sau màn chào sàn ấn tượng tháng 9 năm ngoái.

Warren Buffett hoài nghi về cổ phiếu - Ảnh 3.

Tỷ suất sinh lời trong đồ thị chỉ xét đến thị giá, không bao gồm cổ tức.

Không thể không nhắc đến RH, từng được biết đến với cái tên Restoration Hardware. Khoản đặt cược này của Berkshire đã khiến nhiều nhà đầu tư bối rối nhưng về sau đã chứng minh là có thời điểm cực kỳ ấn tượng.

Berkshire mua RH ngay trước khi COVID-19 bùng phát. Đại dịch thúc đẩy những người Mỹ khá giả mua sắm và tân trang ngôi nhà nghỉ dưỡng để trốn tránh cuộc sống đô thị ngột ngạt. Giá trị lượng cổ phần RH mà Berkshire nắm giữ tương đối nhỏ, khoảng 844 triệu USD, nhưng số lợi nhuận trong đó lên tới hơn 600 triệu USD.

Trong khủng hoảng COVID-19, hoạt động đầu tư của Warren Buffett gần như không làm suy chuyển núi tiền mặt 146 tỷ USD của Berkshire. Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại từng được ca tụng vì cách sử dụng vốn sẵn có đang bắt đầu được gán biệt danh mới là kẻ keo kiệt. Hoặc có lẽ bài học ở đây là cả hai phẩm chất này phải đi liền với nhau.

Giang