Vượt WinCommerce, Saigon Co.op trở thành đơn vị bán lẻ tiêu dùng lớn nhất Việt Nam
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện các sở ban ngành đã tới thăm và chúc Tết cán bộ, nhân viên của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), theo nguồn tin từ Bộ Công thương.
Tại đây, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh số gần 30.900 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra. Riêng mảng thương mại điện tử đã đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào tổng doanh số của đơn vị.
“Kết quả kinh doanh năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 chứng minh Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ”, ông Đức chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo của Saigon Co.op, chỉ tính riêng trong 8 tuần cao điểm mua sắm dịp Tết, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã phục vụ hơn 1,08 triệu lượt khách hàng.
Tính tới thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp lớn hoạt động trên thị trường bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh cho cả năm 2022. Đây có thể là dữ liệu để so sánh xem liệu Saigon Co.op có đang dẫn đầu thị trường bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam hay không.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu của WinCommerce tăng 10,8% trong quý IV/2022 và tăng 6,4% trong năm 2022. Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh được Masan công bố, doanh thu thuần cả năm 2022 của WinCommerce đạt mức hơn 29.300 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Theo Masan, biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng của WinCommerce là 6,5%. Ngoài ra, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA.
Năm 2023, WinCommerce dự kiến mang lại doanh thu thuần khoảng 36.000 tỷ đồng – 40.500 tỷ đồng, tăng 23% - 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng, với việc WinCommerce đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng trong năm 2023.
Trong khi đó, theo báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 12 tháng năm 2022 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), đơn vị bán lẻ tiêu dùng là Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch COVID-19).
Tính riêng trong quý IV/2022, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng của Bách Hóa Xanh đạt mức 1,37 tỷ đồng, tăng 45% so với quý I/2022. Ngoài ra, lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng cũng chuyển từ âm sang dương 2% - 3%.
Bước sang năm 2023, Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động các chương trình cải thiện chuỗi cung ứng và mua hàng với mục tiêu đạt điểm hòa vốn toàn chuỗi vào cuối quý IV.
Với kết quả này, rõ ràng việc ông Đức chia sẻ Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ tiêu dùng đứng đầu thị trường là có cơ sở khi doanh thu năm 2022 của Saigon Co.op đã vượt lên trên WinCommerce lẫn Bách Hóa Xanh, trong đó có WinCommerce là đơn vị từng dẫn đầu thị trường về doanh thu trong năm 2021, dù một số đơn vị khác vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2022.
Thị trường bán lẻ tiêu dùng từ lâu đã được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế. Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh số bán lẻ của Việt Nam đã tăng trở lại kể từ quý IV/2021. Doanh số bán lẻ trong năm 2022 thậm chí còn vượt quá mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, tiêu dùng một số sản phẩm bán lẻ hưởng lợi nhiều nhất từ việc phong tỏa, chẳng hạn như bách hóa , dược phẩm và thiết bị công nghệ, đã trượt khỏi mức đỉnh của quý IV/2021. Bên cạnh đó, tập khách hàng chính của kênh thương mại điện hiện đại đang bị giảm thu nhập. Trong bối cảnh đó, VDSC cho rằng người tiêu dùng có xu hướng phân bổ ngân sách từ các danh mục chi tiêu không thiết yếu kém quan trọng hơn sang các danh mục chi tiêu thiết yếu hơn.
Trong năm 2023, VDSC nhận định rằng mặc dù nhu cầu chậm lại, các nhà bán lẻ tạp hóa sẽ không dừng việc mở cửa hàng mới, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với các kế hoạch lạc quan trước đó. Trong giai đoạn đầu năm 2023, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng hơn 18%.